12/08/2023
284
CHUYỆN TÌNH CỜ
>>> NHƯNG CÓ CÁI GÌ ĐÓ MẦU NHIỆM???
++ Tình cờ tôi quen biết một người tên là Thiện, qua giới thiệu của một sơ Đa Minh tại Hoa Kỳ. Tôi đến ở nhờ nhà anh hơn một tuần lễ tại Garden Grove - California. Tôi tính đưa tặng anh một tượng nhỏ Đức Mẹ mang sắc thái Việt Nam. Anh bảo nhà anh có nhiều tượng Đức Mẹ rồi, anh liền giới thiệu cho tôi một tượng Đức Mẹ có tên gọi là Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt (gọi tắt là Đức Mẹ Nút Thắt - Mary Undoer of Knots).
 
++ Rồi cũng từ người này, tôi được giới thiệu tới một chị có tên là Quyên tại San Diego (là tác nhân của pho tượng Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt tại nhà anh). Hôm nay, vợ chồng chị đã đưa tôi đi thăm tượng đài Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt trong khuôn viên giáo xứ của chị (Good Shepherd Parish - Chúa Chiên Lành, San Diego).
 
++ Khi về nhà chị, tôi lấy từ trong vali của tôi một pho tượng nhỏ Đức Mẹ để tặng chị, không ngờ bức tượng đó lại là Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt (theo dáng của người phụ nữ Việt Nam). Tượng này tôi có được cũng phải hơn một năm rồi, và chỉ có duy nhất một tượng này, và tôi đưa đi từ Việt Nam qua Mỹ, nhưng tôi vẫn không biết và chưa bao giờ biết tới tên gọi của tượng Đức Mẹ với tước hiệu này. Cho đến khi tôi đưa tượng để tặng chị thì giật mình đây là tượng ĐỨC MẸ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT. Thật là một CHUYỆN TÌNH CỜ... nhưng có cái gì đó rất MẦU NHIỆM.
 
++ Trong khi trao đổi với chị Quyên, tôi nghĩ có điều gì đó Đức Mẹ muốn tôi phổ biến lòng sùng kính ĐỨC MẸ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT, trong bối cảnh con người ta ngày nay đang gặp nhiều vấn đề rắc rối không có lối thoát (nút thắt), cần đến sự trợ giúp của Đức Mẹ để tháo gỡ các nút thắt đó cho!
 

++ Và cả chiều tối hôm nay (ngày 07.08.2023, giờ Cali - USA), tôi dành thời gian để nghiên cứu ĐỨC MẸ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT, và tôi sẽ lần lượt cho đăng trên website: hoimancoi.net, từ hôm nay trở đi; đây là bài đầu tiên giới thiệu về ĐỨC MẸ với tước hiệu này: http://hoimancoi.net/.../me-maria---dang-thao-go-cac-not...
 
++ Và cũng từ hôm nay, tôi cho bắt đầu TUẦN CỬU NHẬT KÍNH ĐỨC MẸ LINH HỒN VÀ XÁC LÊN TRỜI, cùng với tước hiệu: ĐỨC MẸ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT; chương trình của ngày 1 của Tuần Cửu Nhật: http://hoimancoi.net/den-ta-me/tuan-cuu-nhat-kinh-duc-me-thao-go-cac-nut-that---ngay-1-22181.html
 
Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.  
                                 



Chú thích hình ảnh
Hình 1: Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt (hình nguyên thủy, được kể trong câu chuyện được chuyển ngữ ở dưới):



Hình 2: Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Good Shepherd Parish - Chúa Chiên Lành (San Diego - California - USA) - tượng này được cha Michael Phạm Minh Cường khởi sự cho làm tại khuôn viên giáo xứ (chánh xứ, được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận San Diego vào ngày 06/06/2023): 



Hình 3: Hình Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt (mang dáng Việt Nam) được Linh mục Phanxicô Xavie Trần Kim Ngọc, OP., đưa từ Việt Nam qua Hoa Kỳ (tượng duy nhất này cha Ngọc có hơn 1 năm nay, nhưng không biết tên là gì, cho đến khi cha Ngọc đưa tượng tặng gia đình chị Quyên thì mới biết):


Hình 4: Linh mục Phanxicô Xavie (Đặc trách cổ võ Kinh Mân Côi của Dòng Đa Minh Việt Nam) chụp tại đài Đức Mẹ Tháo Gỡ Các Nút Thắt trong khuôn viên nhà thờ Good Shepherd Parish - San Diego:



Dưới đây là CÂU CHUYỆN VỀ ĐỨC MẸ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT:
LỊCH SỬ LÒNG SÙNG KINH ĐỨC MẸ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT
Câu chuyện về lòng sùng kính Đức Maria – Đấng Tháo Gỡ Những Nốt Thắt bắt đầu với nhà quý tộc người Đức Wolfgang Langenmantel (1568-1637). Ông đã kết hôn với nữ quý tộc Sophie Imoff, nhưng đến năm 1612, cặp đôi có nguy cơ phải ly hôn. Để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, Wolfgang quyết định đến thăm cha Jakob Rem, một linh mục Dòng Tên sống tại tu viện và trường đại học Ingolstadt, cách Augsburg 70 km về phía bắc. Trong khoảng thời gian 28 ngày, Wolfgang đã đến thăm cha Rem 4 lần và nhận được lời khuyên từ vị linh mục thánh thiện, thông thái và rất có lòng sùng kính Đức Mẹ. Trong các lần gặp gỡ trao đổi, Wolfgang và cha Rem cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Vào lần gặp nhau cuối cùng, tức là ngày 28 tháng 9 năm 1615, cha Rem đang cầu nguyện trong nhà nguyện của tu viện trước ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh với tước hiệu “Đức Mẹ Xuống Tuyết”. Khi hai người gặp nhau, Wolfgang đã trao dải băng cưới của mình cho cha Rem. (Trong nghi lễ kết hôn vào thời điểm và địa điểm đó, phù dâu đã nối vòng tay của cô dâu và chú rể bằng một dải ruy băng để tượng trưng cho sự kết hợp vô hình của họ trong suốt quãng đời còn lại.) Trong một hành động nghi lễ long trọng, cha Rem lấy dải ruy băng đám cưới của Wolfgang và nhấc nó lên, đồng thời tháo từng nút thắt của dải ruy băng. Khi cha Rem vuốt phẳng dải ruy băng, nó trở nên trắng toát. Vì điều này xảy ra như một phép lạ, Wolfgang và Sophie đã tránh được cuộc ly hôn, và thế là họ tiếp tục cuộc hôn nhân hạnh phúc. Ít năm sau, cháu trai của Wolfgang, là linh mục Hieronymus Ambrosius Langenmantel, đã quyết định tặng bàn thờ gia đình cho nhà thờ thánh Phêrô ở Augsburg để kỷ niệm vào thời điểm giao thời năm 1700. Những đóng góp như vậy là một truyền thống phổ biến vào thời điểm đó. Phần bàn thờ được dành riêng cho “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” và cha Hieronymus muốn bàn thờ này như là sự hiện diện lịch sử của dòng họ gia đình Langenmantel.
 
Một họa sĩ, có tên là Johann Melchior Georg Schmittdner, được giao vẽ tranh cho bàn thờ gia tiên. Anh ấy quyết định vẽ bức tranh của mình dựa trên câu chuyện về Wolfgang, Sophie và cha Rem. Do đó, Schmittdner miêu tả Đức Trinh Nữ Maria như Mẹ đang tháo nút thắt của cuộc sống hôn nhân. Việc nghiền nát con rắn minh họa rằng Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, vì Mẹ là người được đặc ân miễn trừ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ, là đối thủ đời đời của con rắn. Chim bồ câu ám chỉ Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần. Các Thiên Thần phụ giúp Đức Mẹ: một thiên thần trao cho Đức Mẹ những nút thắt của cuộc đời chúng ta, trong khi một thiên thần khác trao dải ruy băng, giải phóng chúng ta khỏi những nút thắt. Bên dưới tượng Đức Mẹ, Wolfgang quý tộc đang lo lắng, cùng với Tổng lãnh thiên thần Raphael, đi về phía một tu viện. Cuối cùng, câu chuyện về gia đình Langenmantel biến mất khỏi lịch sử. Tuy nhiên, trong những thế kỷ tiếp theo, bức tranh vẫn là đồ cổ trong nhà thờ thánh Phêrô, Perlack ở Augsburg. Trong một số năm, bức tranh được đặt tại tu viện Cát Minh đi chân đất ở cùng thành phố Augsburg. Bức tranh đã tồn tại trải qua các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng và sự chống đối của thế tục, vẫn còn tô điểm cho nhà thờ này cho đến ngày nay. Mặc dù việc nhắc đến Đức Maria như là người tháo gỡ các nút thắt đã có từ thời thánh Ireneo vào thế kỷ II, nhưng việc sùng kính Đức Maria – Đấng Tháo Gỡ Các Nút Thắt không được nhiều người biết đến cho đến gần đây. Vào những năm 1980, nó được Đức Tổng Giám mục Jorge Mario Bergoglio, S.J., mang đến Argentina (nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô), nơi đây bức tranh vẫn đang còn được bổ biến. Lòng sùng kính cũng đã lan rộng nhờ nỗ lực của tu sĩ Mario H. Ibertis Rivera, nhờ vị tu sĩ này mà Vatican đã cho phép sử dụng hình ảnh để xuất bản ở Vatican.
 
Vì sự lan rộng của lòng sùng kính, hàng ngàn tín hữu đã đến nhà thờ thánh Phêrô ở Perlack để khấn xin với Đức Mẹ Maria – Đấng Tháo Gỡ Các Nốt Thắt, để xin Mẹ chuyển cầu, tháo gỡ cho mọi vấn đề của họ (các nút thắt). Bên cạnh những khó khăn trong hôn nhân, những cái gọi là nút thắt này bao gồm một loạt các vấn đề đa dạng bất thường khác. Mọi người đến với Đức Mẹ Maria để được phù giúp về sức khỏe, công việc, thử thách, rắc rối trong gia đình, các vấn đề cá nhân và xung đột cả trong cộng đồng địa phương lẫn quốc tế. Nhiều quan chức chính phủ, doanh nhân, các nhóm Công giáo và những người hành hương cá nhân đã đặt mình dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria – Đấng Tháo Gỡ Các Nốt Thắt.
 
Richard Lenar (chuyển ngữ: Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, O.P.; nguồn: Untier of Knots : University of Dayton, Ohio (udayton.edu))
114.864864865135.135135135250