05/09/2020
1359
AUGUSTISSIMAE VIRGINIS MARIAE
Thông điệp của Giáo hoàng Leo XIII
VỀ HIỆP HỘI RẤT THÁNH MÂN CÔI
 
Gửi anh em đáng kính: Thượng phụ, Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục, và Bản quyền sở tại có mối hoà bình và hiệp thông với Toà Thánh.
 
Thưa anh em đáng kính, chúc anh em sức khoẻ và phép lành Toà Thánh.

1. Bất cứ ai xét đến đỉnh cao của phẩm giá và vinh quang mà Thiên Chúa đã nâng Đức Trinh Nữ Maria lên tới đó, đều dễ dàng nhận ra rằng, đỉnh cao đó quan trọng biết bao cho cả lợi ích chung cũng như cho cả lợi ích riêng, sự tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria phải được thực hành một cách siêng năng, và mỗi ngày càng phải được tiến triển hơn.

Vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ

2. Thiên Chúa đã tiền định chọn Đức Maria từ trước muôn đời làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, và vì lý do này, Đức Trinh Nữ được tách biệt hơn hẳn giữa tất cả những công trình tốt đẹp nhất của Thiên Chúa trong ba cấp độ về tự nhiên, ân sủng và vinh quang mà Giáo Hội áp dụng một cách chắc chắn cho Đức Trinh Nữ những từ sau đây: “Duy có mình Ta đi vòng cả bầu trời và rảo bước khắp vực sâu thăm thẳm" (Hc 24,5). Và vào thời kỳ khởi nguyên, khi tổ tiên của loài người phạm tội, đẩy con cháu của họ vào cùng tình trạng sa đoạ, Đức Trinh Nữ được dựng nên như một bảo chứng để tái tạo sự bình an và ơn cứu độ. Người Con-được-sinh-ra Duy Nhất của Thiên Chúa dành cho người Mẹ Cực Thánh của Người biết bao nhiêu vinh dự. Trong suốt cuộc đời tại thế, Người Con đã liên kết Đức Trinh Nữ với chính Người nơi mỗi một trong hai phép lạ đầu tiên: phép lạ ân sủng khi Sứ thần truyền tin cho Đức Maria, hài nhi nhảy lên sung sướng trong lòng bà Elisabét; phép lạ về tự nhiên, khi Người biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Và vào lúc cao điểm trong cuộc đời công khai của Người, khi đóng ấn Giao Ước Mới trong Máu châu báu của Người, Đức Giêsu đã giao phó Đức Maria cho vị tông đồ dấu yêu qua những lời dịu dàng: “Này là Mẹ con” (Ga 19,27).

Chúng ta phải theo gương Chúa Kitô 

3. Vì vậy, dù không xứng đáng, Tôi giữ vai trò của người Đại diện Chúa Kitô trên trần gian, sẽ không bao giờ ngừng cổ võ vinh quang của một người Mẹ quá vĩ đại, bao lâu Tôi còn sống. Và bởi vì, như tuổi đời trôi qua mau lẹ, Tôi cảm thấy rằng cuộc sống bây giờ không thể kéo dài hơn được nữa, Tôi buộc phải nhắc lại cho mỗi người và tất cả con cái yêu dấu trong Chúa Kitô những lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá, được để lại cho chúng ta như một lời trăng trối: “Đây là Mẹ con!” Như thế, Tôi sẽ được thưởng công lớn lao biết mấy, nếu những lời giáo huấn của Tôi đạt thành công trong việc làm cho một người tín hữu thôi, không có điều gì quý trọng hơn là việc sùng kính dành cho Mẹ Maria; để những lời mà thánh Gioan đã viết về chính mình có thể được áp dụng cho mỗi người trong chúng ta: “người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27).

4. Thưa anh em đáng kính, vì Tháng 10 lại gần đến, năm này, Tôi rất mong muốn gửi tới anh em những bức thư, lại một lần nữa thôi thúc anh em hết sức cố gắng bằng việc lần hạt Mân Côi để vừa giúp chính cá nhân anh em vừa giúp cả Giáo Hội đang gặp khó khăn. Hình thức cầu nguyện này xuất hiện dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa Quan Phòng, đã phát triển một cách phi thường khi kết thúc thế kỷ, vì mục đích là khuyến khích lòng đạo đức biếng nhác của người tín hữu. Điều này được chứng minh qua các nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy và những vương cung thánh đường kính Mẹ Thiên Chúa có nhiều người thường xuyên viếng thăm. Chúng ta đã dâng những bó hoa trong Tháng Năm lên Mẹ Thiên Chúa; chúng ta cũng có Tháng Mười sinh hoa kết quả dồi dào được dâng kính lên Mẹ lòng biệt kính ân cần tha thiết. Thật là thích hợp khi cả hai tháng trong năm được dâng kính cho Mẹ Thiên Chúa: “Hoa của Ta sẽ kết trái phú túc vinh quang” (Hc 24,17). 

Khuynh hướng hiện đại đối với hội đoàn

5. Khuynh hướng tự nhiên của con người đối với hội đoàn chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, hoặc được theo đuổi một cách sốt sắng hơn và phổ biến rộng rãi hơn trong thời đại của chúng ta. Điều này không đáng trách tí nào cả, trừ khi khuynh hướng tự nhiên vượt trội như thế được sử dụng sai mục đích cho những điều xấu, và những người yếu đuối, tụ họp trong những hình thức hội đoàn khác nhau, có âm mưu “chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương” (Tv 2,2). Tuy nhiên, thật hạnh phúc biết bao khi nhận xét rằng các hiệp hội đạo đức cũng đang ngày càng trở nên phổ biến giữa người công giáo. Những hiệp hội đó thường xuyên được thành lập; thực vậy, tất cả mọi người tín hữu công giáo đều được lôi kéo chặt chẽ và hiệp nhất với nhau nhờ mối dây bác ái, như những thành viên của một gia đình, và tất cả họ đều có thể là và thực sự đều được gọi là anh chị em với nhau. Trước đây, Tertuliano cũng đã viết những lời sắc sảo như sau: “Chúng ta là anh chị em với nhau nhờ có chung một người mẹ, chung một bản chất; và vì thế nếu anh chị em không có chung bản chất với nhau thì anh chị em không được như những con người. Thật là chính đáng biết bao khi họ được gọi và được coi như là anh chị em với nhau nhờ họ nhân biết cùng một Cha duy nhất là Thiên Chúa; họ đều chìm sâu trong cùng một tinh thần bác ái duy nhất; họ cùng được sinh ra từ cùng một dạ duy nhất của sự u tối mà bước vào trong ánh sáng chân lý” (Apolog. c. xxxix.).

Ích lợi của các Hiệp hội Công giáo

6. Có nhiều lý do đối với người Công giáo khi tham gia vào những hiệp hội hữu ích như loại này. Tôi muốn nói đến những câu lạc bộ, những ngân hàng tiết kiệm phổ thông, những lớp học giải trí, những hiệp hội chăm lo cho giới trẻ, những hội đoàn và nhiều tổ chức khác vì những mục đích cao cả. Tất cả những tổ chức này, dù là do danh xưng, cơ cấu và mục đích đặc biệt nào đi nữa, mà bề ngoài có vẻ như mới được sáng lập mang dáng dấp hiện đại, nhưng kỳ thực là đã có từ lâu rồi. Những vết tích của các hội đoàn loại này đều được tìm thấy trong những thời kỳ đầu tiên của Kitô giáo. Những giai đoạn sau này, các hội đoàn đó được thừa nhận về mặt pháp lý, được phân biệt bởi những biểu tượng đặc biệt, được phong phú hoá bởi những đặc ân liên quan tới việc thờ kính trong Giáo Hội, hoặc được dành riêng cho những công trình đạo đức thiêng liêng hay vật chất, và trong những thời kỳ khác thì lại được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Số hội đoàn đó cứ gia tăng mạnh dần, đặc biệt tại Italia, không có thành thị nào hoặc giáo xứ nào mà lại không có mặt một hoặc nhiều hội đoàn đó.

Sự vượt trội của Hội Mân Côi

7. Tôi không ngần ngại khi ấn định vị trí ưu việt trong các hiệp hội này cho hiệp hội được biết đến như Hội Rất Thánh Mân Côi. Nếu chúng ta xét tới nguồn gốc của Hội Mân Côi, thì chúng ta sẽ thấy hội này có sự khác biệt bởi tính chất cổ kính, vì chính thánh Đa Minh được cho là người sáng lập ra Hội Mân Côi. Nếu chúng ta đánh giá những đặc ân của Hội Mân Côi, chúng ta thấy nó phong phú với biết bao nhiêu ân xá được các vị tiền nhiệm của Tôi ban cho một cách rất hào phóng. Bản chất của Hội, cái linh hồn thực sự của nó, là Kinh Mân Côi của Đức Mẹ, có một giá trị tuyệt vời, bởi vì lý do đó mà Tôi đã nói ở nơi khác dài hơn rồi. Hơn nữa, công dụng và hiệu quả của Kinh Mân Côi còn lớn lao hơn khi được xét như là một việc biệt kính của Hội đoàn mang tên Hội Mân Côi. Mọi người đều biết rằng việc cầu nguyện cần thiết biết bao đối với mọi người; không phải là các mệnh lệnh của Thiên Chúa có thể thay đổi, nhưng như thánh Grêgôriô nói rằng “người nào khi cầu xin thì có thể xứng đáng lãnh nhận điều mà Thiên Chúa Toàn Năng truyền lệnh từ trước muôn đời là phải ban cho họ” (Dialog., lib. i., c. 8). 
 
Và thánh Augustinô nói rằng: “Người nào biết cầu nguyện như thế nào cho phải, thì sẽ biết sống như thế nào cho phải” (xc. Tv 118). Nhưng những lời cầu nguyện đạt được hiệu quả cao nhất cần phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa khi được ban công khai, qua số đông, kiên tâm và hiệp lực để tạo nên như chính là một dàn đồng ca gồm một bè của lời khẩn cầu; vì những lời trong sách Công vụ Tông đồ tuyên bố rõ giữa các môn đệ của Chúa Kitô, chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, được dạy bảo là phải “kiên tâm một lòng một ý trong việc cầu nguyện (Cv 1,14). Người nào thực hiện cách cầu nguyện này thì sẽ gặt hái được kết quả vững chắc. Chắc chắn đó là trường hợp đối với những thành viên của Hội Mân Côi. Chính lúc đọc Kinh Thần Vụ, các linh mục trao ban lời khẩn nguyện mang tính công cộng, liên lỷ và hiệu quả nhất; vì thế lời khẩn nguyện được các thành viên của Hội Mân Côi trao ban khi lần hạt Mân Côi, hoặc “thánh vịnh của Đức Mẹ” thì nó cũng được một số Đức giáo hoàng gọi tên như thế, đó cũng là lời cầu nguyện mang tính công cộng, liên lỷ và mang tính hoàn vũ.

Hiệu quả đặc biệt của lời cầu nguyện chung

8. Như Tôi đã nói, lời cầu nguyện công cộng tuyệt vời hơn và hiệu quả hơn những lời cầu nguyện riêng tư, do đó, các văn sĩ công giáo đã gán cho Hội Mân Côi danh xưng là “đội quân cầu nguyện, được thánh Đa Minh ghi tên vào hội, dưới ngọn cờ của Mẹ Thiên Chúa” – thể văn thánh kinh và lịch sử Giáo Hội chào mừng Đức Mẹ là Người chiến thắng Thần Dữ và mọi thứ sai lầm. Kinh Mân Côi hiệp nhất tất cả mọi thành viên trong Hội Mân Côi lại với nhau trong một mối tương quan phụ tử hoặc tình đồng chí đồng đội với nhau; bằng cách ấy một đạo quân hùng mạnh được hình thành, được xếp vào hàng ngũ và trang bị chỉnh tề, thì sẽ đẩy lui những cuộc tấn công của địch thù cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy, ước mong sao những thành viên của hội đạo đức này nắm vững những lời của thánh Cyprianô:
“Lời cầu nguyện của chúng ta mang tính công cộng và chung; và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện không chỉ cho bản thân mình mà thôi nhưng cho toàn thể dân thánh, vì chúng ta, toàn thể dân thánh, đều hiệp nhất làm một với nhau” (De Orat. Domin.). Lịch sử Giáo Hội chứng minh cho sức mạnh và hiệu năng của hình thức cầu nguyện này, được chứng minh cụ thể trong cuộc tấn công của đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận thuỷ chiến Lêpantô, và những cuộc chiến thắng cũng mang lại thành công như thế trong thế kỷ vừa qua tại Temesvar ở Hungary và tại đảo Corfu. Đức Grêgôriô XIII, vị tiền nhiệm của Tôi, để ghi nhớ mãi kỷ niệm về trận chiến lừng danh nhất, đã thiết lập ngày lễ Đức Mẹ Thắng Trận, mà sau này Đức giáo hoàng Clementê XI đã cho mừng lễ này với tước hiệu Chúa Nhật Lễ Mân Côi và ra lệnh phải được cử thành trong toàn thể Giáo Hội.


Sự khác biệt giữa lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và lời cầu nguyện dâng lên các thánh: Một sự phản kháng được giải quyết

9. Khởi đi từ sự kiện cho rằng cuộc chiến cầu nguyện này được “mang tên dưới tước hiệu Mẹ Thiên Chúa”, tính hiệu quả mạnh mẽ và vinh dự lớn lao vì thế được thêm vào cho lời cầu nguyện này. Vì lý do đó, “Kinh Kính Mừng” được lặp đi lặp lại thường xuyên trong Kinh Mân Côi sau mỗi “Kinh Lạy Cha”. Vì vậy cho đến nay, việc làm giảm giá trị này dù bằng cách nào thì cũng làm giá trị vinh dự dành cho Thiên Chúa, điều đó dường như giải thích rằng chúng ta đã đặt niềm tín thác vào sự trợ giúp của Đức Maria nhiều hơn vào quyền năng của Thiên Chúa, nhưng thực ra điều này đặc biệt chuyển về cho Thiên Chúa, và thu được lòng thương xót của Thiên Chúa về cho chúng ta. Chúng ta được đức tin Công giáo dạy rằng chúng ta có thể cầu nguyện không chỉ với chính Thiên Chúa, mà còn với Đức Trinh Nữ trên thiên đàng (Conc. Trill. Sess. xxv.), nhưng bằng một cách khác; bởi vì chúng ta kêu cầu Thiên Chúa như là Nguồn mạch của mọi sự thiện hảo, nhưng chúng ta kêu cầu các thánh như là những vị cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Theo thánh Thomas, “Lời cầu nguyện được dành cho một người theo hai cách: một cách do chính người đó dâng lên; còn cách khác là được ban ơn nhờ người đó. Trong cách thứ nhất, chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa mà thôi, bởi vì mọi lời cầu nguyện của chúng ta đều được dẫn tới mục đích là đạt được ân sủng và vinh quang mà chỉ mình Thiên Chúa ban cho mà thôi, theo lời thánh vịnh 83,12: “Chúa tặng ban ân huệ với vinh quang”. Nhưng trong cách thứ hai, chúng ta cầu nguyện với các thiên thần và các thánh, không phải Thiên Chúa muốn học lời khẩn cầu của chúng ta qua các vị, nhưng qua lời cầu nguyện và công phúc của các ngài mà lời cầu nguyện của chúng ta mới sinh hiệu quả. Vì điều đó được sách Khải huyền dạy (Kh 8,4): “Từ tay thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của dân thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa.” (Summa Theol. 2a tae, q. LXXXIII. a. IV). Giờ đây, tất cả các phúc nhân trên thiên đàng, những vị có thể sánh với Mẹ Thiên Chúa rất cao sang trong việc thu nhận ân sủng được không? Ai là người thấy rõ nơi Ngôi Lời Vĩnh Cửu nỗi lo lắng nào đang đè nặng lên chúng ta và chúng ta đang cần gì? Ai là người ban cho có sức mạnh hơn để tiến về Thiên Chúa? Ai có thể so sánh với Mẹ trong tình cảm từ mẫu? Chúng ta không cầu nguyện với Đức Thánh Nữ giống như với Thiên Chúa; bởi vì chúng ta kêu cầu Thiên Chúa chí thánh xót thương chúng ta, nhưng chúng ta khẩn xin tất cả các thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng ta (Ibid.). Còn cách chúng ta cầu nguyện với Đức Trinh Nữ có cái gì đó chung với việc chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, đến nỗi Giáo Hội đã từng thưa với Mẹ những lời mà chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin thương xót những người tội lỗi.” Vì thế, các hội viên của Hội Mân Côi làm quá tốt trong việc cùng nhau đan kết rất nhiều lời chào mừng và lời cầu nguyện thành một triều thiên dâng lên Mẹ Maria. Bởi vì, phẩm vị của Mẹ vĩ đại biết bao, sự sủng ái của Mẹ trước toà Thiên Chúa lớn lao dường nào, đến nỗi bất cứ người nào đang cần đến Thiên Chúa mà không có sự trợ giúp của Mẹ thì đang cố gắng bay lên cao mà không có đôi cánh.

Sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và cộng tác với các Thiên thần

10. Chúng ta không nên bỏ quên mà không đề cập tới một sự tuyệt vời khác nữa của Hội này. Khi lần hạt Mân Côi, thông thường chúng ta suy gẫm về các mầu nhiệm cứu độ của chúng ta, thì một cách nào đó chúng ta cũng thường thực hiện những bổn phận thiêng liêng từng được dành cho vô số Thiên thần. Các Thiên thần làm sáng tỏ mỗi một mầu nhiệm này vào thời gian thích hợp; các ngài đóng một vai trò quan trọng trong các mầu nhiệm; các ngài thường xuyên có mặt nơi các mầu nhiệm, với những sắc thái mang ý nghĩa lúc thì vui mừng, lúc thì đau buồn, lúc thì hân hoan chiến thắng. Tổng lãnh thiên thần Gabriel được sai đi loan báo cho Đức Trinh Nữ mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Hằng Hữu. Nơi hang đá Bêlem, các Thiên thần hợp tiếng hát bài vinh danh Chúa Cứu Thế mới sinh ra đời. Thiên thần truyền lệnh cho thánh Giuse phải mang Con Trẻ sang Ai Cập. Một Thiên thần an ủi Chúa Giêsu đang toát mồ hôi máu trong vườn cây dầu với những lời yêu thương. Các Thiên thần báo cho các chị em phụ nữ tin mừng về Chúa Giêsu phục sinh, sau khi Chúa đã chiến thắng cái chết. Các Thiên thần đưa Chúa lên trời; và báo trước Ngài sẽ lại đến lần thứ hai với vô số Thiên thần vây quanh, để quy tụ trong Ngài tất cả những linh hồn của dân ưu tuyển, và mang họ lên với Ngài vào hợp đoàn chư thần thánh trên thiên đàng, trong đó “Mẹ Thiên Chúa được tuyên dương trổi vượt hơn tất cả mọi thần thánh trên trời”. Vì thế, những người thường xuyên lần chuỗi Mân Côi sốt sắng trong Hội này có thể được dành cho những lời mà thánh Phaolô đã nói với những người tân tòng: “Anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ” (Dt 12,22). Có điều gì thánh thiêng hơn, thích thú hơn là khi được chiêm ngắm và cầu nguyện với các Thiên thần? Chúng ta hy vọng với niềm tin tưởng rằng những người đang sống trên trần gian có liên kết với các Thiên thần trong sứ vụ này thì một ngày nào đó sẽ được thừa hưởng vai trò đồng bạn vinh phúc trên Thiên đàng?

Các Đức Giáo Hoàng và Hội Mân Côi 

11. Vì những lý do này, các đức giáo hoàng đã từng ca ngợi nhiều nhất đối với Hội Mân Côi. Đức giáo hoàng Innocent VIII gọi Hội Mân Côi là “một hội đoàn đạo đức nhất” (Splendor Paternae Gloriae, 26/02/1491), Đức giáo hoàng Piô V tuyên bố rằng qua việc đạo đức của Hội Mân Côi, “các Kitô hữu bỗng dưng bắt đầu được biến đổi thành những con người khác, bóng tối của lạc thuyết bị đẩy lui, và ánh sáng của đức tin công giáo chiếu rạng” (Consueverunt Romani Pontifices, 17/09/1569). Đức giáo hoàng Sixtô V cho rằng về mặt tôn giáo Hội Mân Côi sinh hoa trái dồi dào biết bao, và tự cho mình là người tận tâm nhất với Hội Mân Côi. Nhiều vị giáo hoàng khác, cũng làm phong phú hoá Hội Mân Côi bằng nhiều ân xá và nhiều đặc ân, hoặc đã đặt Hội Mân Côi dưới sự bảo trợ đặc biệt của các ngài, chính các ngài ghi tên gia nhập Hội Mân Côi và ban cho Hội Mân Côi nhiều chứng nhận về lòng thiện chí của các ngài.

Huấn từ kết thúc

12. Thưa anh em đáng kính, Tôi cũng được mẫu gương của các vị tiền nhiệm thôi thúc, tha thiết khuyên nhủ và mời gọi anh em, như Tôi vẫn thường làm, dấn thân chăm lo đặc biệt cho cuộc chiến đặc biệt này, để nhờ nỗ lực của anh em, những lực lượng trẻ trung hằng ngày có thể được ghi tên gia nhập vào Hội Mân Côi. Qua anh em, những người trong hàng giáo sĩ của anh em đang chăm sóc các linh hồn, làm dân chúng biết và nhận thức đúng đắng hiệu năng của Hội Mân Côi và những ích lợi của nó đối với ơn cứu độ con người. Điều này Tôi van xin tất cả một cách khẩn thiết hơn như lần cuối để một lần nữa sự sùng kính tốt đẹp đối với Đức Mẹ, được gọi là “Kinh Mân Côi sống” trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Tôi vui mừng chúc lành cho sự sùng kính này, và Tôi tha thiết muốn rằng anh em tích cực và siêng năng khuyến khích làm cho Hội Mân Côi phát triển. Tôi rất mong muốn với hy vọng mạnh mẽ rằng những lời cầu nguyện và những lời ca khen, không ngừng gia tăng từ môi miệng và trái tim của biết bao con người, sẽ mang lại hiệu quả nhất. Những lời cầu nguyện vang lên ngày và đêm luân phiên, qua khắp nhiều nước khác nhau trên toàn thế giới, hợp thành một bản giao hưởng của lời khẩu nguyện với việc suy gẫm về các mầu nhiệm thánh. Trong những thời kỳ đã qua lâu, một dòng suối ca ngợi và cầu nguyện suốt năm đã được báo trước bằng những lời được linh hứng mà Út-di-gia đã ca lên trong bài ca gửi Giu-đi-tha: "Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này... Vì cho đến muôn đời muôn thuở, những ai hằng nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ không lãng quên lòng trông cậy bà đặt nơi Người. Nguyện xin Thiên Chúa thực hiện cho bà những điều ấy để muôn đời bà được tán dương. Xin Người viếng thăm và ban cho bà muôn phúc lộc, vì bà đã không tiếc mạng sống mình khi nòi giống chúng ta lâm cảnh nhục nhã; bà đã cứu chúng ta thoát hoạ diệt vong vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa." Toàn dân đáp lại: "A-men! A-men! " (Gđt 13,18-20).

13. Cuối cùng, như một bảo chứng của những phúc lành từ trời và như một lời chứng về nỗi lòng hiền phụ của Tôi, thưa anh em đáng kính, nhân danh Chúa, Tôi tha thiết ban Phép Lành Toà Thánh đến anh em và tất cả hàng giáo sĩ cùng toàn dân được giao phó cho anh em chăm sóc mục vụ.
 
Làm tại Đền thờ thánh Phêrô - Rôma, 12/09/1897, năm thứ 20 triều đại giáo hoàng của Tôi. 

LEO XIII

Giáo hoàng

***
 



Chuyển ngữ: Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.
(Nguồn: vatican.va)
114.864864865135.135135135250