27/09/2015
3613
 
GRATA RECORDATIO
Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII
Về Kinh Mân Côi: Lời Cầu nguyện cho Hội Thánh,
Sứ Vụ Truyền Giáo, Những Vấn Đề Quốc Tế Và Xã Hội.

Ngày 26 tháng 9 năm 1959

Gửi Anh Em khả kính: Thượng phụ, Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục và Bản quyền sở tại trong sự Bình an và Hiệp nhất với Toà Thánh.

Xin gửi tới Anh Em Lời chào và Phép lành Toà Thánh.

1. Trong những ký ức vui mừng về thời trẻ của Tôi là những Thông điệp mà Đức Giáo Hoàng Leo XIII thường viết cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo khi Tháng Mười gần tới để thúc giục các tín hữu sốt sắng đọc Kinh Mân Côi cách đặc biệt trong suốt tháng này (1).

2. Những Thông điệp này có nội dung khác nhau, nhưng tất cả đều rất khôn ngoan, sâu sắc với nguồn cảm hứng mới mẻ giúp luyện tập đời sống Kitô giáo. Trong những thuật ngữ mạnh mẽ và có sức thuyết phục, các Thông điệp này thúc giục các tín hữu Công giáo cầu nguyện với Thiên Chúa trong tinh thần đức tin qua sự bầu cử của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, bằng việc đọc Kinh Mân Côi. Vì Kinh Mân Côi là một hình thức cầu nguyện và chiêm niệm rất đáng tuyên dương. Khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta đan kết một vòng hoa mầu nhiệm của lời kinh Kính Mừng, Lạy Cha, Sáng Danh. Và khi chúng ta đọc những lời cầu nguyện này, chúng ta suy ngắm những mầu nhiệm chính trong đạo; từ mầu nhiệm này tới mầu nhiệm khác về việc Nhập Thể và Cứu Chuộc nhân loại của Chúa Giêsu Kitô.

Lòng sùng kính của Đức giáo hoàng Gioan với Kinh Mân Côi

3. Những ký ức vui mừng thời tuổi trẻ của Tôi không phai nhạt hay tan biến đi như tuổi đời của Tôi trôi qua mau. Trái lại, Tôi muốn tuyên bố thẳng thắn và đơn sơ rằng thời gian đã làm cho Kinh Mân Côi ngày càng trở nên gần gũi hơn với Tôi. Tôi không bao giờ bỏ đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày, và có chủ ý đọc với tâm tình sùng kính đặc biệt suốt tháng sắp tới đây.

4. Trong năm đầu tiên của Tôi với tư cách là giáo hoàng– một năm sắp trôi qua– Tôi đã có một vài cơ hội thúc giục các giáo sĩ và giáo dân cầu nguyện chung với nhau và cầ nguyện riêng. Nhưng hôm nay Tôi muốn tha thiết nhấn mạnh điều này hơn nữa, vì những lý do đó mà Thông điệp này sẽ được trình bày rất vắn gọn.

I

5. Tháng Mười tới đây sẽ là giỗ giáp năm của Đức Piô XII, vị tiền nhiệm của Tôi, kể từ khi ngài qua đời một cách thánh thiện. Khi còn tại thế, ngài đã nổi bật với nhiều thành tựu vẻ vang.

6. Hai mươi ngày sau khi ngài lìa trần, Tôi dù hoàn toàn bất xứng nhưng đã được nâng lên Ngôi Giáo Hoàng theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Một sự kế thừa không bị gián đoạn

7. Vị giáo hoàng này để lại cho vị giáo hoàng kia di sản thiêng liêng, đó chính là sự chăm sóc toàn thể đoàn chiên của Chúa Kitô; với cùng một mối bận tâm mục tử, mỗi một vị chứng tỏ tình thương phụ tử đối với toàn thể nhân loại.

8. Hai biến cố này – một biến cố đầy đau buồn, còn biến cố kia lại tràn niềm vui – chứng minh cho thế giới thấy rõ ràng rằng trong khi mọi sự thế gian đều từ từ tiêu tan mục nát, thì Ngai Toà Phêrô vẫn đứng vững trước hàng thể kỷ, mặc dầu các vị Thủ Lãnh hữu hình của Hội Thánh, từ vị này tới vị khác, phải để lại cuộc sống lưu đày trần gian này khi các ngài hoàn thành những ngày tháng mà Thiên Chúa quan phòng đã xếp đặt cho các ngài.

9. Nhưng tất cả các Kitô hữu đều nên hướng những suy tư về vị Giáo Hoàng mới qua đời là Đức Piô XII và tới người kế vị hèn mọn của ngài, mà nơi các ngài, Thánh Phêrô tiếp tục sứ mệnh vĩnh cửu của ngài như vị mục tử tối cao, và người Kitô hữu nên dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện này: “Xin cho Đức Giáo hoàng gìn giữ đạo thánh tinh tuyền và hàng giáo sĩ bền vững trong ơn gọi. Chúng con nài xin Chúa đoái thương nghe lời chúng con” (2).

Lời mời gọi đọc Kinh Mân Côi

10. Và bây giờ, thật cũng vui mừng khi nhắc lại rằng Vị tiền nhiệm của Tôi đã thôi thúc tất cả mọi người tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi trong suốt Tháng Mười trong Thông điệp Ingruentium Malorum (3), và Tôi cũng muốn lặp lại một lời nhắc nhở (4) được rút ra từ Thông điệp đó: “Với niềm tín thác hơn, anh chị em hãy hướng tâm hồn về Mẹ Thiên Chúa, nơi ẩn náu vững chắc của người Kitô hữu đang gặp gian nan thử thách, bởi vì Mẹ đã được tạo nên như một nguồn cứu độ cho toàn thể nhân loại” (5).

II

11. Vào ngày 11 tháng 10 năm 1959, Tôi sẽ rất vui mừng trình bày những mô hình thập giá về truyền giáo cho một nhóm đông đảo các nhà truyền giáo Công giáo, những người sẽ giã từ gia đình thân yêu của mình và nhận lãnh trách nhiệm nặng nề là mang ánh sáng của đạo Chúa Kitô tới dân chúng tận các miền xa xôi (6). Cũng vào buổi chiều ngày hôm đó, Tôi được sắp xếp để đi thăm trường North American College tại Janiculum và cử hành thánh lễ với các vị Bề Trên, trưởng khoa và các chủng sinh đã hoàn thành chương trình trong thế kỷ đầu tiên của trường đó.(7)

12. Mặc dù hai việc cử hành này diễn ra trong một ngày, chúng có một ý nghĩa và tầm quan trọng như nhau: Tất cả những gì Hội Thánh Công Giáo làm thì đều được cảm hứng từ trời thúc đẩy và được dẫn dắt bởi những nguyên tắc và những quy luật của chân lý trường tồn; tất cả con cái Hội Thánh góp phần với một mong muốn vị tha và năng động vào sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiệp nhất huynh đệ của nhân loại, và bình an bền vững.

Hy vọng cho tương lai

13. Những người trẻ này đóng vai diễn thật tuyệt vời đến nỗi Tôi phải lạc quan về tương lai. Họ đã vượt thắng nhiều cản trở và những bất lợi, và tự hiến thân cho cho Thiên Chúa, còn một số người khác thì có thể tìm gặp được Đức Kitô (8) hoặc nơi đất khách quê người chưa hề có ánh sáng chân lý chiếu soi hoặc trong những thành phố rộng lớn, ồn ào và bận bịu mà trong đó công việc hằng ngày mau lẹ như cơn lốc, nhiều khi làm cho tâm hồn con người khô héo và trở thành dễ dãi với những của cải trần tục. Từ môi miệng của những người già là những người làm việc trong hoàn cảnh tương tự, đã chạy đến cầu khẩn với Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ: “Xin ban cho các tôi tớ của Mẹ đây mạnh mẽ nói lời của Mẹ” (9).

14. Tôi tin tưởng rằng công việc tông đồ của những người trẻ này sẽ được dâng lên cho Đức Trinh Nữ Maria trong lời cầu nguyện tha thiết của Anh Em suốt Tháng Mười.

III

15. Có một vấn đề khác cũng thúc ép Tôi xin Hồng Y Đoàn, thưa Anh Em đáng kính, tất cả các linh mục và đan sĩ, người đau ốm và tàn tật, trẻ em vô tội và tất cả mọi người Kitô hữu hãy dâng lời cầu nguyện thành khẩn và tha thiết nhất lên Đức Giêsu Kitô và Mẹ yêu quý của Người. Đó là: ở mức độ rộng lớn, những người nắm giữ tương lai các dân tộc trong tay mình cần phải chú ý quan tâm tình trạng nguy hiểm mà thời đại chúng ta đang trải qua. Dù những dân tộc này là lớn hay nhỏ, thì những quyền hợp pháp và những di sản tinh thần đều thánh thiêng và cần phải được bảo vệ.

Cầu nguyện cho chính quyền

16. Vì thế Tôi cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền biết đánh giá cẩn thận và xem xét những nguyên nhân của sự bất đồng và nỗ lực trong niềm tin lành mạnh để thay đổi chúng. Trên tất cả, họ phải nhận ra rằng chiến tranh (xin Chúa cứu chúng ta thoát khỏi chiến tranh!) chỉ đưa đến kết cục là tàn phá mọi nơi cách khủng khiếp, vì thế chiến tranh không thể là mục đích nương nhờ của bất cứ ai. Họ phải thích nghi luật lệ với những nhu cầu của con người ngày nay; những luật lệ này kiểm soát chính quyền và xã hội là những tổ chức liên kết những dân tộc và các giai cấp xã hội lại với nhau. Họ phải quan tâm đến luật vĩnh cửu xuất phát từ Thiên Chúa, đó là luật nền tảng và cột trụ của mọi chính quyền. Cuối cùng, họ phải ý thức rằng mỗi tâm hồn con người được Thiên Chúa tạo dựng và tiền định để thuộc về và hưởng hạnh phúc với Ngài.

Triết học sai lầm

17. Cũng phải chú ý rằng ngày nay có một số trường phái tư tưởng và triết học, và một số quan điểm hướng về lối sống thực dụng không thể tương hợp với giáo huấn Kitô giáo. Điều bất khả thi này Tôi sẽ không bao giờ ngừng xác quyết một cách kiên định và không mập mờ tuy vẫn phải dùng những thuật ngữ ôn hoà. Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho con người và các dân tộc! (10).

18. Và vì thế Tôi hy vọng rằng người ta sẽ bỏ đi những định đề và những giả định vô ích này, cứng nhắc và thiếu linh hoạt nổi lên từ một lối suy tư và hành động bị lây nhiễm trào lưu tục hoá và chủ nghĩa duy vật. Và như thế người ta sẽ tìm thấy một phương thuốc an toàn trong học thuyết đúng đắn mà kinh nghiệm làm cho chắc chắn hơn mỗi ngày. Tôi muốn nói học thuyết này chứng minh rằng Thiên Chúa là chủ sự sống và là quy luật sống, Ngài là Đấng gìn giữ quyền lợi và phẩm giá của con người. Thiên Chúa là “chốn chúng ta nương ẩn và là Đấng Cứu độ của chúng ta” (11).

Nước Cha trị đến

19. Những suy tư của Tôi hướng tới mọi miền trên khắp địa cầu. Tôi nhìn thấy toàn thể nhân loại đang nỗ lực vì một tương lai tốt đẹp hơn; Tôi nhìn thấy sự thức tỉnh của một sức mạnh huyền nhiệm, và điều này cho phép Tôi hy vọng rằng con người sẽ được hướng dẫn bởi một lương tâm ngay thẳng và một cảm thức về nghĩa vụ đi tìm những lợi ích thực thụ của xã hội loài người. Mong cho mục đích ấy được nhận thức đầy đủ nhất – đó là công lý, hòa bình và bác ái với sự chiến thắng của vương quốc sự thật - Tôi khuyến khích tất cả con cái trong Chúa Kitô hãy trở nên “đồng tâm nhất trí” (12) và hãy dâng những lời nguyện xin sốt sắng trong suốt Tháng Mười lên Nữ Vương Thiên Đàng cũng là Mẹ yêu dấu của chúng ta, trong khi đó suy niệm dựa trên những lời của Thánh Tông Đồ: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.” (2 Cr 4, 8-10).

Công Nghị và Công Đồng

20. Trước khi kết thúc Thông điệp này, Tôi cũng tha thiết kêu gọi Anh Em, thưa Anh Em đáng kính, là hãy lần chuỗi Mân Côi suốt Tháng Mười với một lòng sốt mến đặc biệt, và kêu cầu Mẹ Thiên Chúa bằng lời khẩn xin tha thiết, cho các ý chỉ khác mà Tôi hằng canh cánh bên lòng: xin cho Công Nghị của giáo phận Rôma mang lại nhiều phúc lành và lợi ích xuống trên thành phố này; xin cho Công Đồng Chung sắp tới đây, mà Anh Em sẽ tham dự bằng sự hiện diện và tham luận, sẽ góp phần làm tăng triển rực rỡ cho Giáo Hội hoàn vũ; và xin cho sức mạnh canh tân tất cả các nhân đức Kitô giáo mà Tôi hy vọng Công Đồng này sẽ mang lại, cũng sẽ phục vụ như một lời mời gọi và khích lệ cho sự hiệp nhất anh em và con cái đang ly khai khỏi Tòa Thánh.

21. Với hy vọng trìu mến này, Tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh đến mỗi người và tất cả Anh Em, cho đoàn chiên được giao phó cho Anh Em chăm sóc, và cho những cá nhân, những người đặc biệt sẽ đáp lại lời khẩn nài tha thiết của Tôi với lòng nhiệt thành và sốt mến.

Ban hành tại Rôma, cạnh Tòa Thánh Phêrô, vào ngày 26 tháng 9 năm 1959
Năm thứ nhất Triều đại Giáo hoàng của Tôi.

GIOAN XXIII
Giáo Hoàng

(Chuyển ngữ: Nữ Đan Viện Đa Minh (bản tiếng Anh: vatican.va
*** 
Chú thích:
(1) Cf. the following encyclical epistles in Acta Leonis XIII, in the volumes indicated: Supremi Apostolatus, III, 280 ff.; Superiore anno, IV, 123 ff.; Quamquam pluries, IX, 175 ff.; Octobri mense, XI, 299 ff.; Magnae Dei Matris, XII, 221 ff.; Laetitiae sanctae, XIII, 283 ff.; lucunda semper, XIV, 305 ff.; Adiutricem populi, XV, 300 ff.; Fidentem piumque, XVI, 278 ff.;Augustissimae Virginis, XVII, 285 ff.; Diuturni temporis, XVIII, 153 ff.
(2) Litany of the Saints.
(3) On September 15, 1951: AAS 43 (1951) 577 ff.
(4) Ibid., 578-579.
(5) St. Irenaeus, Adv. haer. III, 22: Migne, PG VII, 959.
(6) A précis of the talk given on this occasion appears in TPS, v. 6 (1959) 46.
(7) A translation of the talk given on this occasion appears in TPS, v. 6 (1959), 37-42.
(8) Cf. Phil. 3.8.
(9) Cf. Acts 4.29.
(10) Cf. Wisd. 1, 14. There is a play on words in this sentence and the following paragraph which is difficult to render in English. The Holy Father uses language which can apply to physical health or to salvation.—Translator's note.
(11) Sacred Liturgy.
(12) Acts 4.32.
114.864864865135.135135135250