25/08/2015
6395
Để tải về máy đọc bản PDF, xin nhấp vào đây 

KINH MÂN CÔI
DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
 
CẨM NANG
NHÓM MÂN CÔI

HIỆP HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI
  
Nihil obstat
Trụ sở Tỉnh dòng, 15/09/2014
Tu sĩ Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám tỉnh 
 
Imprimatur
Vinh, 25/09/2014
Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.
Giám mục Giáo phận Vinh
 

LỜI GIỚI THIỆU

Kinh Mân Côi Sống (Rosaire Vivant) được hình thành vào năm 1826 do sáng kiến của chị Pauline Marie Jaricot với mục đích cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Vào thời này, công việc truyền giáo của Giáo Hội rất tốt đẹp. Nhiều người sẵn sàng bỏ quê hương để đi tới một miền đất xa xôi để loan báo Tin Mừng.
Những thập niên giữa thế kỷ XX, Giáo Hội tại Pháp phải đối diện với tình trạng: mất đức tin, thờ ơ với sứ vụ tông đồ, lìa bỏ Giáo Hội, lãng quên sứ vụ truyền giáo. Trong bối cảnh đó, Cha Joseph Eyquem, OP. và một người giáo dân là bà Colette Couvreur cùng sáng lập nên Nhóm Mân Côi (Équipe du Rosaire) khởi đi từ sáng kiến của chị Pauline để làm sống lại đức tin, hâm nóng tinh thần tông đồ, đưa những con chiên lạc về với Giáo Hội, thúc đẩy sứ vụ truyền giáo. Nhóm Mân Côi xuất hiện chính thức vào tháng 10 năm 1955. Từ đó, Nhóm Mân Côi bắt đầu phát triển (xc. Hugues Rovarino, OP., Les Équipes du Rosaire: Histoire et Esprit).
Nhóm Mân Côi phát triển và lan rộng nhanh chóng, và cho đến hôm nay, đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, trở thành Phong Trào Nhóm Mân Côi Quốc Tế.
Khởi đi từ đề nghị về việc canh tân và thích nghi Hội Mân Côi truyền thống theo mô hình của Pháp và gợi ý phát triển Nhóm Mân Côi trong Thư của Cha Tổng quyền Carlos A. Azpiroz Costa, OP. (xc. Công vụ Tổng hội Rôma 2010, Phụ trương II: Bản tường trình về Hiện tình Dòng cho Tổng hội Bầu cử Rôma 2010, số 27-28; Lettre du Fr. Carlos A. Azpiroz Costa, OP., Maître de l'Ordre, Évangélisation de Proximité: une grâce, les Équipes du Rosaire, 11/02/2010), Nhóm Mân Côi tại Việt Nam được hình thành vào tháng 10 năm 2010. Kể từ đây, Nhóm Mân Côi bắt đầu phát triển, và cho đến nay, đã có mặt tại nhiều giáo phận.
Sự canh tân và thích nghi Hội Mân Côi truyền thống thành Nhóm Mân Côi là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tham gia vào sứ vụ tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Bởi vì “khi nắm lấy Kinh Mân Côi như phương tiện cầu nguyện bằng sự hiệp nhất huynh đệ và bằng hoạt động tông đồ, Nhóm Mân Côi có mục đích là tạo nên khắp nơi những cộng đoàn cầu nguyện nhỏ quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria và mời gọi các thành viên trong Nhóm cùng suy niệm Tin Mừng, sống Tin Mừng và công bố Tin Mừng.” (xc. AOP Anno 79, Fasc. II, Aprilis-Iunius 1971, tr. 174-175).
Cẩm Nang Nhóm Mân Côi – Hiệp Hội Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tín hữu muốn liên đới huynh đệ với nhau cùng xây dựng đời sống đức tin, hun đúc tinh thần tông đồ và thúc đẩy sứ vụ truyền giáo nơi tất cả mọi thành phần dân Chúa, nhất là nơi người tín hữu giáo dân trong bối cảnh xã hội ngày nay.
Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho công việc mà Ngài đã khởi sự nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi.
Trụ sở Tỉnh dòng, ngày 15/09/2013
Tu sĩ Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám tỉnh
 

KÝ HIỆU TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

AD    Đức Lêô XIII, Adiutricem, 05/09/1895.
AOP Annuales Ordinis Praedicatorum I, col. 212.
AVM   Đức Lêô XIII, Augustissimae Virginis Mariae, 12/09/1897.
BOP  Bullarium Ordinis Praedicatorum, IV, 392.
CM   Đức Phaolô VI, Christi Matri, 15/09/1966.
CRP Đức Piô V, Consueverunt Romani Pontifices, 17/09/1569.
DT    Đức Lêô XIII, Diuturni Temporis, 05/09/1898.
EI      Enchiridion Indulgentiarum, Ấn bản 1999.
FAD    Đức Bênêđictô XV, Fausto Appetente Die, 29/07/1921.
FPA Đức Lêô XIII, Fidentem Piumque Animum, 20/09/1896. 
HMC   Fr. J. Nguyễn Tri Ân, OP., Hội Mân Côi, Chân Lý Xuất Bản, 1958.
IC     Info CLIOP – Commission Liturgique Internationale de L’ Ordre des Prêcheurs.
IM     Đức Piô XI, Ingravescentibus Malis, 29/09/1937.
MC   Đức Phaolô VI, Marialis Cultus, 02/02/1974.
MG   Josephum Larroca, Magistrum Generalem I.I. 1890.
RVM   Đức Gioan Phaolô II, Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002.
SAO    Đức Lêô XIII, Supremi Apostolatus Officio, 01/09/1883.
SGL Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.
* Chữ viết tắt Kinh Thánh theo Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

CẨM NANG NHÓM MÂN CÔI

I. DANH XƯNG

1.   Nhóm Mân Côi quy tụ những người muốn liên kết với nhau cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và sống Tin Mừng theo mẫu gương của Mẹ Maria.

II. TÔN CH

2.   Tôn chỉ của Nhóm Mân Côi là lấy Kinh Mân Côi làm phương thức:
§1. Để nhờ Mẹ Maria và cùng với Mẹ Maria mà chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi;
§2. Tôn kính Mẹ Maria;
§3. Thánh hoá bản thân và tha nhân;
§4. Đẩy lui sự dữ và ma quỷ.

III. MỤC ĐÍCH

3.   Mục đích của Nhóm Mân Côi là dùng Kinh Mân Côi để:
§1. Cầu nguyện cho Hội Thánh địa phương cũng như hoàn vũ;
§2. Cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục;
§3. Cầu nguyện cho người có tội biết ăn năn trở về với Chúa, người chưa nhận biết Chúa có cơ hội tin nhận Chúa;
§4. Cầu nguyện cho những người đang đau khổ, bệnh tật và buồn chán;
§5. Cầu nguyện cho thế giới;
§6. Cầu nguyện cho quê hương, dân tộc;
§7. Xin một ơn gì, đặc biệt là xin cho khỏi
những bệnh tật nguy hiểm và ngày càng thêm thánh thiện hơn;

§8. Cầu nguyện cho công việc truyền giáo và các sứ vụ khác của Giáo Hội;
§9. Cầu nguyện cho các tu sĩ Đa Minh và các nhóm viên đang sống cũng như đã qua đời...

IV. TINH THẦN

4.   Nhóm Mân Côi mang tâm tình với Mẹ Maria:
§1. Tưởng nhớ và chiêm ngưỡng Đức Kitô (xc. RVM 13);
§2. Học hỏi Đức Kitô (xc. RVM 14);
§3. Cầu nguyện với Đức Kitô (xc. RVM 16);
§4. Loan báo Đức Kitô (xc. RVM 17);
§5. Nên giống Đức Kitô (xc. RVM 15).

V. TỔ CHỨC NHÓM

5.   Nhóm Mân Côi có hai hình thức:
§1. Hình thức thứ nhất là nhóm không có sinh hoạt chung: mỗi người chỉ cần ghi tên xin gia nhập Nhóm Mân Côi (xc. Mẫu ghi danh gia nhập, phụ lục 9). Hàng ngày, nhóm viên có thể chu toàn bổn phận bằng cách đọc Kinh Mân Côi chung với gia đình hay chung với cộng đoàn hay đọc riêng một mình tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện của mình;
§2. Hình thức thứ hai là nhóm có sinh hoạt chung, như lần hạt Mân Côi. Nhóm có sinh hoạt chung quy tụ từ 5 người trở lên thuộc cùng gia đình, họ hàng, làng xóm; cùng hội đoàn, giáo họ, giáo xứ; cùng công ty, tổ chức, lớp học... Hình thức này có thể được tổ chức thành: nhóm 5 người, nhóm 10 người, nhóm 15 người, nhóm 20 người hoặc nhóm nhiều người hơn.
Những buổi sinh hoạt nguyện Kinh Mân Côi chung của nhóm có thể lúc ở nhà người này lúc ở nhà người khác tuỳ theo sự thống nhất giữa các nhóm viên với nhau, hoặc tại nhà thờ với sự cho phép của cha xứ.

VI. ĐIỀU HÀNH

6.   Nhóm Mân Côi trực thuộc Hiệp Hội Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi dưới sự điều hành của Đặc trách do Cha Giám tỉnh chỉ định. Đặc trách có quyền ghi tên bất cứ người nào muốn xin gia nhập Nhóm Mân Côi.
7.   Hội trưởng Hội Mân Côi có thể:
§1. Ghi tên những người muốn xin gia nhập Nhóm Mân Côi tại địa phương của mình, lập danh sách rồi gửi về cho Kinh Mân Côi Dòng Đa Minh theo địa chỉ ở phụ lục (xc. Phụ lục 9);
§2. Điều phối việc lần hạt Mân Côi cho các nhóm viên tại địa phương của mình.

VII. NHÓM VIÊN

1. Bổn phận

8.   Mỗi ngày, mỗi nhóm viên đọc một chục Kinh Mân Côi kèm theo suy niệm một ngắm hay một mầu nhiệm Mân Côi. Nhóm viên tuỳ ý chọn một ngắm hay một mầu nhiệm, hoặc bằng cách chọn một mầu nhiệm cho một ngày: ngày thì mầu nhiệm này, ngày khác thì mầu nhiệm khác, cứ thế luân phiên, tạo thành chuỗi Kinh Mân Côi Sống. Từ mầu nhiệm này đến mầu nhiệm khác, đó là con đường của Mẹ Maria; như thế, nhóm viên sống các biến cố trong cuộc đời của Chúa Kitô cùng với Mẹ Maria (xc. RVM 24).
9.   Nhóm viên có thể chu toàn bổn phận của mình khi lần hạt Mân Côi với gia đình tại nhà, với các hội đoàn khác, với cộng đoàn tại nhà thờ, hay riêng tư sao cho thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình.
10. Nhóm viên được khuyến khích đọc Kinh Mân Côi nhiều hơn.
11. Để tránh cho lương tâm khỏi áy náy, khi vì hoàn cảnh hay vì lý do chính đáng, nhóm viên không chu toàn được bổn phận của mình thì không mắc bất kỳ một tội trọng hay nhẹ nào.

2. Ơn ích

12.       Nhóm viên được thừa hưởng ơn ích thiêng liêng gồm hai loại sau đây:
§1. Ơn ích chung: nhóm viên được hưởng công đức dồi dào của các thánh nam nữ, các tu sĩ Dòng Đa Minh và toàn thể nhóm viên và hội viên ở khắp nơi trên thế giới đang được hưởng tôn nhan Chúa;
§2. Ơn ích riêng: nhóm viên được thừa hưởng các công đức việc lành của các phần tử trong Dòng Đa Minh và toàn thể nhóm viên và hội viên còn sống lập được hàng ngày.

3. Quyền lợi

13.       Nhóm viên có quyền:
§1. Được thông chia các công nghiệp, các việc lành phúc đức của toàn thể nhóm viên và hội viên khắp thế giới khi còn sống, lúc sinh thì và sau khi đã qua đời. Do đó, toàn thể nhóm viên và hội viên đã thực hiện khẩu hiệu: “Một người làm cho tất cả, tất cả làm cho một người”;
§2. Ngoài ra, do đặc ân của Cha Tổng quyền Bartholomeo de Comatiis vào năm 1484, các nhóm viên còn được thông chia công nghiệp của các thánh nam nữ, các tu sĩ Dòng Đa Minh đã, đang và sẽ lập được do thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, việc tông đồ bác ái hay truyền giáo;
§3. Đặc ân ở §2 đã được các vị có thẩm quyền trong Dòng tiếp tục chấp thuận, nhất là đã được Đức Lêo X châu phê ngày 02/10/1520 (xc. BOP IV, 392; AOP I, col. 212; MG, I.I. 1890).

4. Ơn xá

14. Nhóm viên được hưởng ơn đại xá vào những ngày và những việc như sau với những điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý của đức giáo hoàng):
§1. Vào ngày ghi tên gia nhập Nhóm Mân Côi, và vào các ngày sau đây: Lễ Chúa Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Truyền Tin, Lễ Đức Mẹ Linh hồn và Xác lên Trời, Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh (hay còn gọi là Lễ Nến: ngày 2/2), Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (xc. IC, n.3, 3/2007, p.26-27);
§2. Mỗi ngày, nhóm viên đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt (EI, concessio 17) thì được hưởng một ơn đại xá với những điều kiện thường lệ.

5. Hết tư cách nhóm viên

15. Một người đã gia nhập chính thức Nhóm Mân Côi chỉ hết tư cách nhóm viên khi đương sự tự ý xin xoá tên khỏi Nhóm Mân Côi.

VIII. ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP

16. Tất cả mọi người biết lần hạt Mân Côi đều có thể gia nhập Nhóm Mân Côi.
17. Ai đã gia nhập hội đoàn nào rồi, mà trong đó có bổn phận lần hạt Mân Côi, thì cũng có thể gia nhập Nhóm Mân Côi; và khi hoàn thành bổn phận trong hội đoàn đó thì cũng được coi là hoàn thành bổn phận đối với Nhóm Mân Côi miễn là có ý chỉ như thế.

IX. GHI DANH GIA NHẬP

18. Người nào muốn gia nhập Nhóm Mân Côi, phải ghi danh xin gia nhập rồi gửi về cho đặc trách (xc. Phụ lục 9) hoặc ghi danh xin gia nhập nơi hội trưởng tại địa phương được đặc trách uỷ quyền:
      §1. Đăng ký cá nhân, theo Mẫu 1 (xc. Phụ lục 9, Mẫu 1: Đăng ký cá nhân);
      §2. Đăng ký theo đơn vị, lập Danh Sách Nhóm Mân Côi của đơn vị, theo Mẫu  2 (xc. Phụ lục 9, Mẫu 2: Đăng ký theo đơn vị).
Description: images (1)

PHỤ LỤC : NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT

PHỤ LỤC 1 : ĐIỀU CẦN KHI ĐỌC KINH MÂN CÔI

1. Thái độ cung kính: Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta càng cần có thái độ cung kính hơn. Có thể quỳ lần hạt thì càng tốt hơn biết mấy.
2. Suy niệm: Việc suy niệm trong khi lần hạt Mân Côi là rất cần thiết, đó là linh hồn của Kinh Mân Côi. Điều này được Đức Phaolô VI (xc. MC 42-55) và Đức Gioan Phaolô II (xc. RVM) xác nhận.
3. Sốt sắng: Cần thanh tẩy ý hướng, nghĩa là bỏ qua một bên mọi lo toan và bận tâm để chú tâm vào việc cầu nguyện.
4. Xin một ơn gì cụ thể: Khi lần hạt Mân Côi, nên xin Chúa ban cho một ơn gì đó, nhất là xin cho mỗi ngày được thêm thánh thiện hơn, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

PHỤ LỤC 2 : CÁCH ĐỌC 1 CHỤC KINH MÂN CÔI

Ngắm 1 mầu nhiệm, đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh. Đó là 1 chục hạt. Chục nào cũng đọc như thế nhưng với sự suy ngẫm các mầu nhiệm khác nhau.

PHỤ LỤC 3 : CÁCH ĐỌC 5 CHỤC KINH MÂN CÔI

PHỤ LỤC 4 : MẦU NHIỆM MÂN CÔINĂM SỰ VUI
(5 Mầu Nhiệm Vui)
Mầu nhiệm thứ nhất: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai.
Lời Chúa: “Bấy giờ Ðức Maria nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền’.” (Lc 1,38)
Suy gẫm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave.
Lời Chúa: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.” (Lc 1,39-40)
Suy gẫm: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá.
Lời Chúa: “Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2,6-7)
Suy gẫm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh.
Lời Chúa: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa’.” (Lc 2,22-23)
Suy gẫm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh.
Lời Chúa: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.” (Lc 2,46)
Suy gẫm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong
Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng
Chúa luôn.

 
NĂM SỰ SÁNG
(5 Mầu Nhiệm Sáng)
Mầu nhiệm thứ nhất: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan.
Lời Chúa: “Khi Ðức Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, có tiếng từ trời phán: ‘Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’.” (Mt 3,16-17)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana.
Lời Chúa: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Chúa Giêsu. Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.” (Ga 2,1-2)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
 
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối.
Lời Chúa: “Ðức Chúa Giêsu nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’.”(Mc 1,15)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích Giao Hoà.
Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Chúa Giêsu biến hình
trên núi.

Lời Chúa: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Ðây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’.” (Lc 9,35)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể.
Lời Chúa: “Trước Lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.
NĂM SỰ THƯƠNG
(5 Mầu Nhiệm Thương)
Mầu nhiệm thứ nhất: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu.
Lời Chúa: “Lòng xao xuyến bồi hồi, Ðức Chúa Giêsu càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.”(Lc 22,44)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn.
Lời Chúa: “Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người.” (Ga 19,1)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai.
Lời Chúa: “Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi vả vào mặt Người.” (Ga 19,2-3).
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Chúa Giêsu vác cây
Thánh  Giá.

Lời Chúa: “Họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha.” (Ga 19,17)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá.
Lời Chúa: “Họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa.” (Ga 19,18)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.
Description: oll
NĂM SỰ MỪNG
(5 Mầu Nhiệm Mừng)

Mầu nhiệm thứ nhất: Đức Chúa Giêsu sống lại.
Lời Chúa: “Hai người đàn ông y phục sáng chói đứng bên họ và nói: ‘Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi’.” (Lc 24,4-6)
Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Chúa Giêsu lên trời.
Lời Chúa: “Ðang khi chúc lành cho các môn đệ, Ðức Giêsu rời khỏi các ông và được đem lên trời.”
(Lc 24,51)

Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Lời Chúa: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,4)
Suy gẫm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta
hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Chúa Trời cho Đức Bà
lên trời.

Lời Chúa: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy gẫm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.
Lời Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.” (Lc 2,46)
Suy gẫm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.

PHỤ LỤC 5 : CÁC KINH THƯỜNG ĐỌC

Dấu Thánh Giá

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công.
Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Kinh Lạy Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Kinh Kính Mừng

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Kinh Sáng Danh

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

Kinh Lạy Nữ Vương

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con
được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con
con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà,
chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay ! Nhân thay ! Dịu thay ! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

PHỤ LỤC 6 : ĐÔI NÉT VỀ KINH MÂN CÔI

1. Nguồn gốc

w   Truyền thống cho biết rằng thánh Đa Minh đã đón nhận phương thức cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi từ Mẹ Maria, và thánh nhân đã rất tận tâm rao giảng về phương thức cầu nguyện này (xc. SAO 5; CRP; FAD 11).
w   Kinh Mân Côi là lời kinh có bản chất từ trời hơn là loài người (xc. IM 8; AVM 7; CM 9-10).

2. Giá trị

w  Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện:
     §1. “Có sức mạnh nhất và rất hiệu quả để đạt đến sự sống vĩnh cửu” (DT 3);
     §2. Quy hướng về Mẹ Maria, nhưng đồng thời cũng quy hướng về Chúa Kitô (xc. RVM 12);
     §3. Của gia đình và cho gia đình (xc. RVM 6 và 41);
     §4. Cho nền hoà bình thế giới (xc. RVM 41);
     §5. Cho sứ vụ truyền giáo và các sứ vụ khác trong Giáo Hội (xc. GR).
w  Kinh Mân Côi có giá trị và quyền lực:
     §1. Củng cố đức tin, xây dựng Giáo Hội, và đẩy xa kẻ thù của Giáo Hội (xc. SAO);
     §2. Đẩy lui sai lầm, giúp nhận ra chân lý, đẩy xa lạc thuyết và mang lại sức mạnh để chống lại kẻ thù (xc. FAD 11-12).

3. Phương tiện

w  Kinh Mân Côi là phương tiện tuyệt vời trong việc cầu nguyện chung và là phương pháp cầu nguyện tuyệt vời nhất (xc. AD 3).
w  Kinh Mân Côi là phương tiện “phù hợp nhất và mang lại hoa quả dồi dào nhất” (IM 8).

4. Hình thức tôn kính

w  Kinh Mân Côi là hình thức “tôn kính tuyệt vời và mang lại ơn cứu độ nhất, là lời cầu nguyện, mà nhờ đó, người công giáo nhờ Đức Mẹ khẩn xin cùng Thiên Chúa cho sự hiệp nhất dân Kitô giáo” (FPA 6).
w   Kinh Mân Côi là hình thức tôn kính Mẹ Maria được ưa chuộng nhất (xc. SAO 5).

PHỤ LỤC 7 : HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN

1. Tâm tình khi cầu nguyện

w  Khiêm nhường và phó thác: “Cầu xin ơn tha thứ là động thái đầu tiên của lời kinh cầu xin: ‘Xin thương xót con là kẻ tội lỗi’ (Lc 18,13). Đó là bước đi đầu tiên để có thể cầu nguyện đúng đắn và tinh tuyền. Lòng khiêm tốn đầy tin tưởng phó thác đặt chúng ta vào trong ánh sáng của sự hiệp thông với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và hiệp thông với nhau: khi đó ‘bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Ngài ban cho’ (1 Ga 3,22). Chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ trước khi cử hành Thánh lễ, cũng như trước khi cầu nguyện riêng.” (SGL 2631)
w  Kiên trì trong đức tin: “‘Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi’ (Mc 11,24). Sức mạnh của cầu nguyện là như thế: ‘mọi sự đều có thể, đối với người tin’ (Mc 9,23) bằng một đức tin không nghi nan.” (SGL 2610)

2. Cách cầu nguyện

w  Chúc tụng: “Chúc tụng diễn tả thái độ sâu xa nhất của việc cầu nguyện Kitô giáo. Đó là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người; trong đó Thiên Chúa ban ơn và con người tiếp nhận, hai bên mời gọi nhau và nối kết với nhau. Lời kinh chúc tụng là lời đáp của con người đối với những hồng ân của Thiên Chúa: vì Thiên Chúa chúc lành, tâm hồn con người có thể chúc tụng để đáp lại Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành.” (SGL 2626)
w  Thờ lạy: “Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người nhìn nhận mình là thụ tạo trước Đấng Tạo Hoá của mình. Thờ lạy là tán dương sự cao cả của Chúa, Đấng dựng nên chúng ta và sự toàn năng của Đấng cứu độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.” (SGL 2628)
w  Ca ngợi: “Ca ngợi là hình thức cầu nguyện nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa một cách trực tiếp nhất. Lời kinh ca ngợi tán dương Thiên Chúa vì chính Ngài, tôn vinh Ngài không phải vì các công trình của Ngài, nhưng bởi vì NGÀI HIỆN HỮU. Khi ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta được thông phần hạnh phúc của những tâm hồn trong sạch, những kẻ yêu mến Ngài trong đức tin trước khi được nhìn thấy Ngài trong vinh quang. Nhờ lời kinh ca ngợi, Thần Khí kết hợp với thần trí chúng ta để chứng nhận chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (SGL 2639)
w  Tạ ơn: “Tạ ơn là nét đặc trưng của kinh nguyện của Hội Thánh, khi cử hành Thánh lễ, biểu lộ và trở thành phù hợp hơn với bản tính của mình.” (SGL 2637)
“Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Ðức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5,18)
“Thánh lễ chứa đựng và diễn tả mọi hình thức cầu nguyện: đó chính là ‘lễ phẩm tinh tuyền’ của toàn Thân thể Chúa Kitô để tôn vinh Danh Người. Truyền thống Đông và Tây phương đều gọi Thánh lễ là ‘hy lễ ca ngợi’.” (SGL 2643)
w  Xin ơn: “Khi chuyển cầu, chúng ta theo mẫu cầu nguyện của Ðức Kitô. Người là Ðấng trung gian duy nhất dâng lời chuyển cầu lên Chúa Cha cho mọi người, nhất là các tội nhân. ‘Hơn nữa, lại có Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta là những kẻ yếu hèn... chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa’ (xc. Rm 8,26-27).” (SGL 2634)

PHỤ LỤC 8 : NHỮNG LỜI MẸ MARIA HỨA

1. Mẹ hứa sẽ gìn giữ một cách đặc biệt và ban nhiều ơn cao cả cho tất cả những ai sốt sắng lần hạt Mân Côi.
2. Ai kiên trì lần hạt Mân Côi sẽ nhận được một số ân sủng (nhãn tiền) có thể nhìn thấy được.
3. Kinh Mân Côi sẽ là áo giáp đầy uy lực để chống lại hỏa ngục. Kinh Mân Côi tiêu diệt thói hư tật xấu, giải thoát khỏi tội lỗi, và phá tan các lạc thuyết.
4. Kinh Mân Côi làm cho các nhân đức và các việc lành phúc đức sinh hoa kết quả; Kinh Mân Côi mang lại cho các linh hồn dồi dào tình thương hải hà của Thiên Chúa nhất; Kinh Mân Côi sẽ đổ tràn tình yêu của Thiên Chúa vào trong trái tim con người thay cho lòng quyến luyến thế gian, giúp người ta khinh chê thế tục cùng những giả trá của nó, và nâng tâm hồn họ khao khát những của cải trên trời. Quả thật, Kinh Mân Côi là phương tiện thánh hóa các linh hồn tuyệt vời biết bao.
5. Ai tín thác vào Mẹ qua việc năng lần hạt Mân Côi thì sẽ không bị hư mất.
6. Ai đọc Kinh Mân Côi sốt sắng, đồng thời áp dụng các mầu nhiệm Kinh Mân Côi vào đời sống mình, thì sẽ không bị những nỗi bất hạnh đè nặng lên mình. Người có tội sẽ được ơn hoán cải; người công chính sẽ tiến triển trong ân sủng và sẽ xứng đáng được hưởng đời sống vĩnh cửu.
7. Những người thành tâm kiên trì lần hạt Mân Côi thì sẽ được ơn trên phù trợ trong giờ lâm tử.
8. Những ai lần hạt Mân Côi thì sẽ tìm thấy ánh sáng của Chúa hướng dẫn và được Chúa ban ân sủng dồi dào khi sống cũng như trong giờ chết, và họ sẽ được tham dự vào công nghiệp của các phúc nhân.
9. Mẹ sẽ nhanh chóng cứu những linh hồn trung thành sốt mến lần hạt Mân Côi khỏi lửa luyện ngục.
10. Những con cái thành tâm với Kinh Mân Côi của Mẹ thì sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên thiên đàng.
11. Qua Kinh Mân Côi, các con xin gì thì sẽ được như ý.
12. Những ai phổ biến Kinh Mân Côi của Mẹ thì sẽ được Mẹ cứu giúp khi gặp túng thiếu cùng cực.
13. Mẹ đã xin Con Chí Thánh Mẹ ơn này là: những ai gia nhập vào các hội đoàn Mân Côi thì đều là anh chị em với các thánh trên trời khi sống cũng như khi chết.
14. Những ai trung thành đọc Kinh Mân Côi đều là con cái dấu yêu của Mẹ và là anh chị em của Chúa Giêsu Kitô.
15. Việc yêu mến và trung thành lần hạt Mân Côi là một dấu chỉ chắc chắn cho phần rỗi linh hồn.
(Dịch từ “Les 15 Promesses de la Sainte Vierge”, trong “La Sainte Vierge à Saint Dominique et au Bienheureux Alain de la Roche.”)

PHỤ LỤC 9 : MẪU GHI DANH GIA NHẬP

MẪU 1: ĐĂNG KÝ CÁ NHÂN
PHIẾU GHI DANH XIN GIA NHẬP NHÓM MÂN CÔI
Tên thánh:.........................................................
Họ và tên:.........................................................
Năm sinh:..........................................................
Giáo xứ:............................................................
Giáo phận:........................................................
Địa chỉ:.............................................................
 
MẪU 2: ĐĂNG KÝ THEO ĐƠN VỊ
DANH SÁCH NHÓM MÂN CÔI
Giáo xứ: ..........................Giáo phận...............................
Stt Tên thánh - họ và tên Năm sinh Ghi chú
       
       
 
Xin gửi cho người đại diện tại địa phương hoặc gửi về:
KINH MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
Tu viện thánh Martin
Số 1/4 Kp.10 - Tân Biên - Biên Hoà - Đồng Nai
Email: kinhmancoi.net@gmail.com; DĐ: 09 88 56 00 42
(Đặc trách: Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.)
114.864864865135.135135135250