25/08/2015
3403
Tông hiến UBI PRIMUM của Đức thánh cha Lêô XIII
 
Được chọn làm giáo hoàng bởi ý định quan phòng của Thiên Chúa.

Về những luật lệ, bổn phận và đặc ân của Hội Rất Thánh Mân Côi.
Lêô, giám mục

Tôi tớ của các Tôi tớ của Thiên Chúa để muôn đời ghi nhớ

Ngay từ khi được cất nhắc lên Ngai toà của thánh Phêrô bởi một bí mật nhiệm mầu của Chúa Quan Phòng, Chúng Tôi thấy rằng sự dữ càng ngày càng gia tăng lên nhiều hơn trên khắp thế giới; Chúng Tôi coi đó như một nhiệm vụ trong sứ vụ tông đồ của Chúng Tôi là phải tạo nên những khuôn mẫu của ơn cứu độ và phải nghiên cứu bằng những cách thức tốt hơn mà Chúng Tôi thấy đảm bảo hơn việc bảo vệ Giáo Hội và tính toàn vẹn của đức tin công giáo. – Theo những tư tưởng này, tâm trí của Chúng Tôi tự nhiên hướng lên Mẹ Thiên Chúa đầy quyền năng, vì chính Mẹ là người cộng tác của Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại, và Mẹ luôn luôn là nơi náu ẩn chính yếu và tối cao của người công giáo trong những lúc gặp khó khăn. Những thiện ích vẻ vang mà người công giáo đón nhận được từ Mẹ chứng minh rằng người công giáo có lý khi đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Mẹ. Và trong số những thiện ích này, có một điều được xác định rõ ràng rằng nhiều thiện ích mà người công giáo đã đạt được là do bởi hình thức cầu nguyện hiệu quả mà chính Mẹ đã mang lại cho họ, hình thức cầu nguyện này được gọi là Kinh Mân Côi và đã được quảng bá bởi sự cố gắng của cha thánh Đa Minh chúng ta. – Các vị giáo hoàng tiền nhiệm của Chúng Tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng trong hình thức cầu nguyện này có những vinh dự trọng đại được dành cho Đức Trinh Nữ. Và chính Chúng Tôi, được hứng khởi từ cùng lòng nhiệt tâm đó, Chúng Tôi đã nói nhiều từ lâu rồi về sự tuyệt diệu và hiệu quả của Kinh Mân Côi Mẹ Maria. Từ những ngày đầu của tháng 9/1883, Chúng Tôi đã nhiều lần ban hành những Tông thư để khuyến khích người tín hữu sử dụng hình thức cầu nguyện đạo đức rất có giá trị cứu độ này đối với Mẹ Rất Thánh hoặc chung với cộng đoàn hoặc tại gia đình mình, và gia nhập Hội Mân Côi đã được thành lập để tôn vinh Mẹ Maria. – Rất gần đây, trong Tông thư ban hành ngày 05/09 năm nay (1898), Chúng Tôi đã tập hợp tất cả những giáo huấn này và đã đúc kết những giáo huấn đó thành một vài từ, và đồng thời Chúng Tôi cho biết ý định ban hành một Tông hiến về những bổn phận, đặc ân và ơn xá; những bổn phận, đặc ân và ơn xá này là niềm vui cho các hội viên của Hội Mân Côi. Và bây giờ, để hoàn thành công trình này và để đáp ứng nguyện vọng của Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Anh em Giảng thuyết, Chúng Tôi ban hành chính Tông hiến này, trong đó đề cập tới các quy tắc của Hội, những đặc ân đã được các Giáo hoàng thông ban cho Hội, và xác định những quy luật sẽ chi phối mãi mãi cơ cấu tổ chức có giá trị cứu độ này.
 
I

Hội Mân Côi được thành lập với mục đích khuyến khích nhiều người liên kết với nhau bằng mối dây bác ái huynh đệ, ca ngợi và cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Diễm Phúc và đạt được sự che chở phù trì của Mẹ qua sự đồng tâm hiệp ý cầu nguyện, khi sử dụng công thức cầu nguyện rất đạo đức, mà từ đó chính Hội cầu nguyện này được gọi là Hội Kinh Mân Côi. Và chính vì thế, không cần phải tìm kiếm bất cứ một mối lợi nào, không cần phải xin một đồng tiền nào, Hội Mân Côi chấp nhận những người có đủ điều kiện và cũng không thiết lập một mối dây liên hệ nào khác ngoài mối dây liên kết lần hạt Mân Côi của Mẹ Maria. Mỗi một người chỉ cần góp vào kho tàng chung một tí, nhưng rút về từ kho tàng đó lại rất nhiều. Cũng giống như thế, bất cứ hội viên nào mà tuân theo những quy tắc của Hội và lần hạt Mân Côi hằng ngày hoặc thường xuyên theo ý chỉ của Hội, liên kết cùng một bổn phận bác ái, thì tất cả hội viên của Hội làm tăng thêm ơn ích cho hội viên đó.
 
II

Ngay từ đầu, Dòng Đa Minh đã rất tận tâm với việc sùng kính Đức Trinh Nữ; Dòng là đơn vị sáng lập và quảng bá Hội Kinh Rất Thánh Mân Côi; như một bổn phận thừa kế, Dòng nhận lấy tất cả những gì liên quan đến hình thức sùng kính này. 

Vì vậy, quyền thành lập Hội Mân Côi thuộc về duy nhất Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh; và nếu ngài vắng mặt khỏi Trung Ương Dòng, thì vị Tổng đại diện của ngài sẽ thay mặt ngài; và nếu ngài chết hoặc bị đưa đi lưu đày ở nơi xa xôi, thì vị Tổng đại diện của Dòng sẽ thay thế ngài. – Vì vậy, kể từ đây trở đi, bất kỳ Hội Mân Côi nào được thành lập sẽ không được hưởng bất kỳ ơn ích, quyền lợi hoặc ơn xá mà các Giáo Hoàng đã ban cho các Hội Mân Côi hợp pháp và chính thức cho đến khi nào nhận được chứng thư thành lập của Cha Bề trên Tổng quyền hoặc các vị đại diện được uỷ nhiệm.
 
III

Cho đến ngày hôm nay, những Hội Mân Côi đã được thiết lập mà không có thư rõ ràng của Cha Bề trên Tổng quyền sẽ phải xem xét xin chứng thư của ngài trong vòng khoảng một năm. Tuy nhiên, - và dù những hội này chỉ thiếu chứng thư của Cha Bề trên Tổng quyền mà thôi, - nhờ vào năng quyền tông toà của Chúng Tôi, Chúng Tôi vui mừng tuyên bố rằng khi những Hội này có được chứng thư của Tổng quyền thì lập tức những Hội này sẽ được coi như có giá trị thành sự và hợp pháp và được thông phần vào tất cả mọi ơn ích, quyền lợi và ơn xá.
 
IV

Để thành lập một Hội trong một nhà thờ đã được chỉ định, Cha Bề trên Tổng quyền phải uỷ quyền cho một linh mục của Dòng, bằng những thư bổ nhiệm đơn thuần. Và ở đâu không có tu viện Dòng Đa Minh, thì Cha Bề trên Tổng quyền chỉ định một linh mục khác được giám mục chấp thuận. – Cha Bề trên Tổng quyền này không thể trao toàn bộ và vô giới hạn những quyền của mình cho các Cha Bề trên Giám tỉnh, cũng không thể trao cho các linh mục dù thuộc Dòng của ngài hoặc một Dòng hay Tu hội nào khác. 

Chúng Tôi huỷ bỏ năng quyền bổ nhiệm các Cha Bề trên Giám tỉnh ở nước ngoài một cách tổng quát, do Đức Giáo hoàng Benedictô XIII (1) ban cho các Cha Bề trên Tổng quyền của Dòng. Tuy nhiên, Chúng Tôi cho phép, sau khi đã nhận thấy lợi ích của phương thức này, các Cha Bề trên Giám tỉnh có quyền cử các bề trên, các phụ tá hoặc các vị thừa sai của những tỉnh dòng này thành lập một số Hội Mân Côi nào đó, trong đó họ sẽ phải lưu tâm chăm sóc các Hội này.
 
V

Hội Mân Côi có thể được thành lập trong tất cả mọi nhà thờ và nhà nguyện công mà người tín hữu có thể tự do đến đó; trong các nhà nguyện của các nữ tu và của những chị em đạo đức khác sống thành cộng đoàn thì không được phép thành lập Hội Mân Côi, bởi vì các Thánh Bộ của Toà Thánh thường quyết định điều đó.

Và cũng như trước đây, Toà Thánh đã lưu tâm đến việc không có nhiều Hội Mân Côi tồn tại trong cùng một nơi, Chúng Tôi tái lập quy luật này, và Chúng Tôi chỉ thị quy luật này phải được tuân giữ khắp mọi nơi. Tuy nhiên, nếu không may có lúc nhiều Hội đã được thiết lập theo đúng luật lệ trong cùng một nơi, thì Cha Bề trên Tổng quyền của Dòng có năng quyền điều chỉnh vấn đề theo lẽ công bằng. Còn tại những thành phố lớn có thể có nhiều Hội Mân Côi, – vì điều đó đã được quyết định do đặc ân, - Đấng Bản Quyền phải gửi đơn xin thành lập lên Cha Bề trên Tổng quyền (2).
 
VI

Vì không có một Hội Mân Côi chính thức nào để những Hội khác yếu kém hơn sát nhập vào đó, cho nên kéo theo là tất cả mọi hiệp hội có cùng bản chất như Hội Mân Côi, do chính việc thành lập hợp giáo luật, được thông phần vào tất cả mọi ơn xá và quyền lợi đã được ban trên toàn thế giới do Toà Thánh cho các hiệp hội khác có cùng danh xưng. – Tất cả mọi Hội đều phải được gắn liền với nhà thờ mà Hội được thành lập. Vì vậy, những đặc ân của một Hội chỉ dành riêng cho những thành viên của Hội đó, nhưng cũng có nhiều ơn xá được ban cho những ai viếng bàn thờ hoặc nhà nguyện và cũng như đặc ân của chính bàn thờ. Những bàn thờ, nhà nguyện và đặc ân của bàn thờ đều gắn liền với địa điểm và do đó những đặc ân ấy không thể tách ra khỏi bàn thờ hoặc được chuyển sang nơi khác mà không có phép đặc biệt của Toà Thánh. – Vì vậy, khi nào một Hội vì một lý do nào đó sẽ phải chuyển sang một nhà thờ khác, thì đòi hỏi phải xin chứng thư khác với Cha Bề trên Tổng quyền. Tuy nhiên, nếu một nhà thờ đã bị phá huỷ, một nhà thờ khác đã được xây dựng trên vị trí đó, hoặc ở gần đó mang cùng một tước hiệu thay cho nhà thờ đã bị phá huỷ, thì địa điểm vẫn còn được coi là như nhau. – Do đó, tất cả mọi quyền lợi và ơn xá (của nhà thờ cũ) sẽ được chuyển trao lại mà không cần thiết phải thành lập một Hội mới khác. – Nhưng nếu một tu viện của Dòng Đa Minh có nhà nguyện sắp được thành lập trong một thành phố, mà ở đó có một Hội đã được thiết lập hợp giáo luật, thì chính Hội này có đủ mọi quyền lợi, sẽ được chuyển về nhà nguyện của tu viện này. Còn nếu không, vì một lý do đặc biệt, thì không cần thiết phải tuân theo quy định này. Cha Bề trên Tổng quyền của Dòng sẽ có năng quyền giải quyết trường hợp cụ thể chiếu theo những quy định của lẽ công bằng, khôn ngoan và hoàn cảnh thuận lợi để duy trì quyền toàn vẹn của Dòng. 
 
VII

Ngoài những quy luật có trước và liên quan đến chính bản chất và luật chung của Hội, người ta có thể thêm những quy luật khác, nếu xét là có ích lợi cho việc điều hành tốt hiệp hội. Vì vậy, các hội viên có quyền đưa ra nội quy riêng, hoặc để điều hành Hội cho tốt, hoặc để khích lệ các hội viên lẫn nhau tham gia vào các hình thức thực hành đạo đức đặc biệt của Kitô giáo, đồng thời vận động gây một khoản quỹ nào đó nếu họ muốn, hoặc cho phép họ may đồng phục hoặc mang hay không mang huy hiệu. Mặt khác, những quy định khác biệt này không ngăn trở các hội viên đạt được những ơn xá, miễn là họ có đủ điều kiện do Toà Thánh quy định để đạt được ơn xá. Tuy nhiên, quy chế hay nội quy riêng được thêm vào đó phải được giám mục giáo phận chấp thuận và phải tuân thủ nguyên tắc điều hành Hội cũng như đã được quy định trong Tông hiến Quecumquedo Đức giáo hoàng Clément VIII ban hành.
 
VIII

Việc chọn các giám đốc điều hành, như trước đây, thuộc về Cha Bề trên Tổng quyền hoặc vị Đại diện của ngài, nhưng với sự chấp thuận của Đấng Bản Quyền địa phương đối với các nhà thờ được giao phó cho giáo sĩ triều. Các giám đốc điều hành có nhiệm vụ tiếp nhận các thành viên của các hội đạo đức này một cách đặc biệt, có quyền làm phép Chuỗi Mân Côi và tóm lại có quyền thực thi các chức phận cơ bản này.

Để vận hành tốt hơn đối với việc duy trì Hội Mân Côi, Cha Bề trên Tổng quyền nên chọn một linh mục làm giám đốc, đã đảm nhận một phận vụ trong nhà thờ mà nơi đó Hội được thành lập, hoặc có quyền lợi nào đó trong nhà thờ này, các vị kế nhiệm của ngài trong vai trò này hoặc trong quyền lợi này cũng được quyền như thế. Vì một lý do nào đó, những vị này thiếu, các giám mục sẽ có quyền, như đã được Toà Thánh quyết định (3), bổ nhiệm tạm thời cha xứ đảm nhận nhiệm vụ này.
 
IX

Hình như thật thích hợp và thậm chí rất cần có một linh mục khác thay mặt cha giám đốc thường trực ghi danh những người xin gia nhập vào Hội, làm phép Chuỗi Mân Côi và chu toàn những bổn phận khác của chính cha giám đốc, Cha Bề trên Tổng quyền cho phép cha giám đốc uỷ nhiệm, không phải theo cách tổng quát nhưng cho từng trường hợp một, một linh mục phù hợp thay thế ngài khi nào vì một lý do chính đáng mà ngài xét thấy là thích hợp.
 
X

Cũng vậy, ở đâu không thể lập Hội Mân Côi, và không thể bổ nhiệm vị giám đốc, Cha Bề trên Tổng quyền có quyền chỉ những linh mục khác sát nhập những người tín hữu muốn hưởng những ơn xá và làm phép chuỗi vào Hội ở gần nhất.
 
XI

Công thức làm phép Chuỗi Mân Côi hoặc Tràng chuỗi Mân Côi, được thánh hiến để sử dụng và được quy định từ rất lâu trong Dòng Đa Minh và nằm trong phụ lục của Sách Lễ Rôma, vẫn được duy trì.
 
XII

Mặc dù việc ghi danh gia nhập vào Hội lúc nào cũng hợp pháp, nhưng mong muốn người ta duy trì nghi thức tiếp nhận một cách trọng thể hoặc vào các Chúa nhật đầu tháng, hoặc vào các ngày lễ trọng kính Đức Trinh Nữ.
 
XIII

Chỉ có một bổn phận duy nhất bắt buộc đối với hội viên: mỗi tuần lần hạt một Tràng (15 chục), - và không bó buộc thành tội khi không chu toàn bổn phận này, -với việc suy niệm 15 mầu nhiệm Mân Côi.

Kinh Mân Côi vẫn phải tiếp tục duy trì hình thức nguyên thuỷ; tức là Chuỗi Mân Côi chỉ gồm 5, 10 hoặc 15 chục hạt; bất cứ một vật nào mang hình thức khác đều không phải là tràng hạt Mân Côi; vì vậy, người ta không thể thay thế việc suy niệm khác cho việc chiêm niệm các mầu nhiệm cứu độ con người, để cho tiện dụng: điều đó đi ngược lại với những quyết định được Toà Thánh đưa ra từ lâu, tức là những người giản lược việc suy niệm các mầu nhiệm cho tiện dụng thì không đạt được các ơn xá của Kinh Mân Côi (4).

Cha giám đốc Hội Mân Côi phải quan tâm khuyến khích làm cho người ta lần hạt Mân Côi, chung với cộng đoàn hằng ngày nếu được, hoặc ít ra là thường xuyên, nhất là vào các ngày lễ kính Đức Trinh Nữ, trước bàn thờ của Hội, đồng thời tuân giữ thói quen lặp lại các mầu nhiệm đã được Toà Thánh chấp thuận, mỗi ngày trong tuần luân phiên: đó là, các mầu nhiệm vui cho ngày thứ hai và thứ năm, các mầu nhiệm thương cho ngày thứ ba và thứ sáu, các mầu nhiệm mừng cho ngày chúa nhật, thứ tư và thứ bảy (5).
 
XIV

Trong các việc thực hành đạo đức của Hội Mân Côi, trước hết phải ưu tiên các ngày lễ trọng vì thật là chính đáng, trong các ngày lễ trọng này người ta nên rước kiệu tôn vinh Đức Thánh Trinh Nữ, chúa nhật thứ nhất trong tháng, và đặc biệt vào chúa nhật thứ nhất của Tháng 10: sự thực hành này đã có từ nhiều thế kỷ: thánh giáo hoàng Piô V đã khởi xướng, và Đức giáo hoàng Grêgôriô XIII đã liệt kê vào quy chế và tập tục sùng kính của Hội Mân Côi; và kế đó, nhiều vị giáo hoàng đã làm phong phú hoá Hội bằng nhiều ơn xá (6).

Và để hình thức khẩn cầu này không bao giờ được giảm thiểu, ít ra là trong phạm vi nhà thờ, ở đó sự hạn chế thời gian đối lập với những gì mà người ta có ở bên ngoài nhà thờ, Chúng Tôi mở rộng cho tất cả các giám đốc của Hội Mân Côi đặc quyền, đã được Đức giáo hoàng Benedictô XIII ban cho Dòng Anh Em Giảng Thuyết, chuyển hình thức này vào một chúa nhật khác, đương nhiên là không cản trở cho ngày lễ chúa nhật này (7).

Nhưng ở đâu, do áp lực về nơi chốn và tâm tình của dân chúng đòi buộc, thì cũng không thể tổ chức thích hợp lễ trọng này (rước kiệu) ở bên trong nhà thờ. Chúng Tôi cho phép các Hội Mân Côi được tham gia vào cuộc rước được thực hiện trong nhà thờ do linh mục và giáo sĩ đối với sự khẩn cầu đạo đức này, cũng có quyền thừa hưởng tất cả mọi ơn xá được gắn liền với hình thức cầu khẩn này.
 
XV

Chúng Tôi vui mừng dành cho Dòng Đa Minh đặc quyền cử hành lễ votiva kính Đức Mẹ Mân Côi (8). Và ngoài ra, không chỉ các linh mục Dòng Đa Minh, mà còn cho các linh mục dòng ba được Cha Bề trên Tổng quyền cho phép được sử dụng thường xuyên Sách lễ của Dòng, được phép cử hành hai lần một tuần lễ votiva Salve Radix Sancta, chiếu theo các quy tắc của Thánh Bộ Nghi Lễ.

Còn các linh mục khác đã được ghi danh vào Hội Mân Côi, các ngài có quyền cử hành lễ votiva, nhưng phải cử hành tại bàn thờ của Hội Mân Côi theo Sách lễ Rôma, theo thời gian và vào cùng các ngày và với cùng ơn xá đã được giải thích ở trên. Các hội viên, những tín hữu bình thường, cũng được thông phần vào các ơn xá này, nếu họ tham dự thánh lễ, miễn là họ đền bù tội lỗi mình, hoặc qua việc xưng tội hoặc qua việc ăn năn tội với ước mong đi xưng tội, và cầu nguyện tha thiết với Thiên Chúa.
 
XVI

Chúng Tôi mong muốn rằng Bề trên Tổng quyền cố gắng và nhiệt tình thiết lập càng sớm càng tốt một bảng danh sách chính xác và đầy đủ tất cả mọi ơn xá mà Toà Thánh đã ban cho Hội Mân Côi và các tín hữu khác lần hạt Mân Côi sốt sắng, để sau khi đã được Thánh Bộ Ân Xá xem xét, bảng danh sách đó được Toà Thánh chuẩn nhận.

Chúng Tôi muốn và chỉ thị rằng tất cả những điều đã được quyết định, tuyên bố và phê chuẩn trong Tông hiến này phải được tuân giữ bởi tất cả mọi người mà Tông hiến được gửi tới, để Tông hiến không bị phê bình, coi thường và bàn cãi, thậm chí lấy cớ có đặc ân, dưới một vài danh hiệu và màu sắc; nhưng Tông hiến phải có những hiệu quả đầy đủ và toàn vẹn; nếu cần thiết, bất chấp tất cả những quyết định trước đây của Chưởng Ấn Toà Thánh, các Tông thư của Đức giáo hoàng Urbanô VIII và các vị giáo hoàng khác hoặc các Tông hiến đã được ban hành, thậm chí là các công đồng miền hoặc chung; bất chấp tất cả quy chế, tập tục và các quyết định đã được Toà Thánh thông qua hoặc có giá trị khác. Chúng Tôi đã huỷ bỏ và Chúng Tôi đã muốn tỏ tường và đặc biệt huỷ bỏ tất cả các điều luật trước đây và tất cả những gì trái ngược với hiệu quả của tất cả những điều đã được đề cập ở trên đây.

Làm tại Rôma cạnh Toà Thánh Phêrô, ngày 02/10/1898
Năm thứ 21 Triều đại giáo hoàng của Chúng Tôi

LÊÔ XIII
Giáo hoàng
 
C. card. ALOISI-MASELLA, Pro-Dat. 
A .card. MACCHI.
Visa de Curia: 
I. DE AQUILA E VICECOMITIBUS.
Loco plumbi. 
Reg. in Secret, Brevium, 
I. CUGNONIUS.
 
_____________
1) Constitution Pretiosus, du 26 mai 1727.
2) Sacrée Congrégation des Indulgences, 20 mai 1890.
3) Sacrée Congrégation des Indulgences, 8 janvier 1861.
4) Sacrée Congrégation des Indulgences, 13 août 1726.
5) Sacrée Congrégation des Indulgences, le 1­er juillet 1839, ad 5.
6) Saint Pie V: Consueverunt, 17 septembre 1569. – Grégoire XIII: Monet Apostolatus, 1er avril 1573. – Paul V: Piorum hominum, 15 avril 1608.
7) Constitution Pretiosus, du 26 mai 1727, §18.
8) Décret de la Sacrée Congrégation des Rites, 25 juin 1622. – Clément X: Coelestium munerum, 16 février 1671. – Innocent XI, Nuper pro parte, 31 juillet 1679, ch. x, 6 et 7. – Pie IX: in Summarium Indulg., 18 septembre 1862, ch. viii, 1 et 2.
 
 

(Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP., chuyển ngữ từ bản văn tiếng Pháp)
 
 
114.864864865135.135135135250