15/09/2020
1421
THÁNH VỊNH MẸ MARIA (Bông Hồng 6)
Thánh Louis Grignion de Montfort

Ngay từ khi thánh Đa Minh thiết lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi cho đến lúc chân phước Alain de la Roche lập lại việc tôn sùng này vào năm 1460, Kinh Mân Côi luôn được gọi là Ca Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tên gọi của Kinh Mân Côi như thế là vì Kinh Mân Côi có cùng một lời chào của Thiên Thần như số thánh vịnh trong sách Thánh Vịnh Vua Đavít. Đối với thành phần tầm thường và vô học không thể đọc các Thánh Vịnh Đavít thì Kinh Mân Côi cũng mang lại ích lợi cho họ như Thánh Vịnh Đavít đối với các người khác vậy.

Tuy nhiên, Kinh Mân Côi còn được coi như có giá trị hơn các Thánh Vịnh vì ba lý do sau đây:

Thứ nhất, vì Thánh Vịnh Thiên Thần chất chứa một hoa trái cao quý hơn, đó là Ngôi Lời nhập thể, trong khi Thánh Vịnh Đavít chỉ nói tiên tri về việc Ngôi Lời sẽ đến mà thôi.

Thứ hai, giống hệt như một vật có thật bao giờ cũng quan trọng hơn hình ảnh ám chỉ về nó, và như thân thể quan trọng hơn chiếc bóng của nó thế nào, Thánh Vịnh Đức Bà cũng cao cả hơn Thánh Vịnh Đavít là Thánh Vịnh ám chỉ Thánh Vịnh Đức Bà.

Thứ ba, vì Thánh Vịnh Đức Bà (hay Kinh Mân Côi được hợp bởi Kinh Lạy Cha và Kính Mừng) là việc của chính Ba Ngôi Chí Thánh làm chứ không phải việc nhờ dụng cụ loài người.

Thánh Vịnh Đức Bà hay Kinh Mân Côi được chia ra làm 3 phần, mỗi phần 50 kinh với những lý do sau đây:
1) Để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa;
2) Để tôn kính sự sống, sự chết và vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô;
3) Để bắt chước Giáo Hội khải hoàn, để cứu giúp những phần thể của Giáo Hội chiến đấu, và để giảm bớt đau thương nơi Giáo Hội tẩy luyện.
4) Để bắt chước ba nhóm Thánh Vịnh được phân chia:
- Trước hết là cho đời sống được thanh tẩy.
- Thứ hai là cho đời sống được soi sáng.
- Thứ ba là cho đời sống được kết hợp.
5) Và cuối cùng là để ban cho chúng ta muôn vàn ơn sủng trong đời sống trần gian, bình an trong giờ lâm tử và vinh quang trong nơi vĩnh phúc.
 
(Trích từ sách "Bí Mật Kinh Mân Côi" - Le Secret Admirable du Très Saint Rosaire pour se convertir et se sauver"; bản dịch Việt ngữ của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)
114.864864865135.135135135250